Máy bơm dầu ở hồ Maracaibo, Cabimas, Venezuela |
Mặc dù Venezuela tự hào là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn đều là loại dầu thô nặng mà hãng dầu khí quốc doanh Venezuela PDVSA phải pha loãng với một loại dầu nhẹ hơn trước khi bán cho khách hàng. Trong những tháng gần đây, hàng nhập khẩu dầu thô nhẹ để dùng trong chế biến dầu thô của Venezuela đã bị xáo trộn.
Theo dữ liệu từ ClipperData, một công ty chuyên vận chuyển hàng hóa, trung bình quốc gia Nam Mỹ nhập khẩu khoảng 100.000 thùng dầu thô nhẹ mỗi ngày, nhưng hiện chỉ dao động ở mức khoảng 40.000 thùng/ngày. Kể từ đầu tháng 9/2017, ClipperData đã không nhận được báo cáo nhập khẩu dầu thô nhẹ vào Curacao, nơi PDVSA pha loãng loại dầu nhẹ với dầu thô nặng trước khi xuất khẩu.
“Nhập khẩu dầu thô nhẹ của Venezuela giảm có thể là một báo động đỏ. Một khi không nhập khẩu dầu, Venezuela sẽ không có nguyên liệu để pha trộn, kéo theo đó là sản lượng xuất khẩu của họ cũng cạn dần”, Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa của ClipperData, nói. Tuy nhiên, ông Smith cũng đề cập đến khả năng có thể PDVSA giảm nhập khẩu chỉ là kết quả hợp lý từ việc sản lượng dầu thô nặng giảm, nên họ không cần quá nhiều dầu nhẹ để pha trộn.
Song, dù sao đi nữa ngành dầu khí của cường quốc Nam Mỹ một thời cũng đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng trong thời gian gần đây. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ dường như làm cho Venezuela gặp khó khăn trong giao dịch hàng hóa. Một số nhà máy lọc dầu lớn đã hủy đơn đặt hàng hoặc yêu cầu PDVSA giảm giá dầu vì cho rằng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của họ. Theo CNBC, chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và PDVSA mới đây đã lỡ hạn thanh toán hàng trăm triệu USD. Ông Maduro tuyên bố sẽ tập trung tái cấu trúc nợ trong tháng này.
Theo bà Agata Ciesielska, chuyên gia tư vấn rủi ro Eurasia Group, tình trạng nợ nần này sẽ làm giảm khả năng tái đầu tư vào hoạt động của PDVSA, cũng như làm trầm trọng thêm các vấn đề sản xuất vì thiếu trang thiết bị.
Sụt giảm đột ngột trong xuất khẩu của Venezuela nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành lọc dầu. “Thị trường dầu của Venezuela dường như sắp rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nếu điều này thực sự xảy ra, thế giới sẽ mất nguồn cung dầu từ một nhà sản xuất quan trọng và thị trường toàn cầu sẽ bị sốc”, Daniel Yergin, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit, nhận định.
Các nhà máy tinh chế dầu thô nặng của Mỹ là những khách hàng lớn của Venezuela, và họ có thể sẽ phải sớm tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế để bù đắp cho sự thiếu hụt. Ngoài ra, các nhà tinh lọc ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng phải tiến hành động thái tương tự. Tuy nhiên, tình hình này có thể lại là tin tích cực cho các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu khác. “Trong trường hợp sản phẩm của Venezuela tiếp tục suy giảm và nhu cầu dầu mỏ thế giới tiếp tục tăng, thì thị trường sẽ tiến gần đến mức cân bằng hơn, hỗ trợ giá cả cho các nước sản xuất của OPEC”, ông Andrew Lipow, Chủ tịch Hiệp hội dầu Lipw, nói với CNBC.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.