Sản xuất ôtô điện tại Việt Nam: Dư địa lớn nhưng không dễ khai phá

Tác giả: Minh Quang

saosaosaosaosao
Văn hóa 24/10/2021 08:16

Tiềm năng lớn, thị trường ô tô điện tại Việt Nam bắt đầu "rục rịch" khởi động với sự vào cuộc mạnh mẽ của Vinfast. Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng hạn chế cùng thói quen sử dụng của người dùng được nhận định là "rào cản" không nhỏ trong công cuộc chạy đua tới thành công của dòng xe này.


 

a 2
Mẫu xe điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam do VinFast sản xuất.

Ô tô điện - xu hướng mang tính toàn cầu

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, ô tô điện (EV) - dòng xe cắm điện với lực đẩy từ một hoặc nhiều động cơ điện, sử dụng năng lượng được lưu trữ trong pin sạc cho ô tô từ hơn 10 năm đã được nhận định là giải pháp cho giao thông thân thiện với môi trường. Công nghệ này bắt đầu xuất hiện trên thế giới từ khoảng năm 2008 và ngày càng có những bước tiến lớn về công nghệ pin.

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, so với động cơ đốt trong, xe chạy EV êm hơn, không có khí thải đuôi xe và thường tạo ra lượng khí thải thấp hơn. Chính vì thế, một số chính quyền cấp quốc gia và địa phương đã đưa ra các khoản giảm thuế, trợ giá và ưu đãi khác để đẩy mạnh việc giới thiệu và áp dụng EV trên thị trường đại chúng.

Tại Đông Nam Á, nhiều nước như Thái Lan cũng đã sớm có lộ trình thúc đẩy dòng xe này khi công bố lộ trình đặt mục tiêu sản xuất 250.000 xe điện vào năm 2025, trong đó có 3.000 xe buýt chạy bằng điện và 53.000 xe máy điện vào tháng 3/2020. Không chỉ đưa ra lộ trình, Thái Lan còn có nhiều động thái hướng tới việc tận dụng nguồn lực của ngành công nghiệp ô tô sẵn có để phát triển trở thành một trung tâm sản xuất xe điện lớn của thế giới như đào tạo cán bộ, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư hay phát triển nghiên cứu, chế tạo pin nhiên liệu, động cơ điện.

Trước những động thái này của Thái Lan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công thương xem xét, nghiên cứu về đề án trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện tại khu vực ASEAN của Thái Lan. Với thông điệp này, Chính phủ đang thể hiện mong muốn Việt Nam sẽ phát triển ngành sản xuất xe điện trong tương lai.

Trên thực tế, tại Việt Nam cũng đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện. Năm 2019, Công ty Vinfast đã cho ra mắt các sản phẩm xe máy điện và đạt doanh số bán tới 50.000 chiếc. Năm 2021, công ty này đã mở bán dòng ô tô chạy điện đầu tiên VinFast - VF e34 với mức giá công bố là 690 triệu đồng. Gần 4.000 đơn đặt hàng thành công trong ngày đầu mở bán cho thấy sự háo hức, mức độ quan tâm của người tiêu dùng với loại xe mới này. Cùng việc mở bán, doanh nghiệp này cũng xin loạt ưu đãi cho phát triển ô tô điện ở Việt Nam, trong đó có đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ với xe điện trong 5 năm.

Trước VinFast, một số hãng cũng đã nhập khẩu xe điện, xe xăng lai điện (Hybrid) về Việt Nam. Tháng 8 năm ngoái, Toyota đã đưa về Việt Nam những mẫu xe Hybrid đầu tiên từ Thái Lan, với mức tiêu hao nhiên liệu xăng chỉ còn 4,6 lít/100 km.

Một hãng xe ngoại khác cũng từng đưa mẫu xe điện i-MiEV vào thị trường Việt Nam để thăm dò. Họ xây dựng một số trạm sạc điện ở vài địa phương, nhưng rồi sau đó dừng kế hoạch này do không đạt được mục tiêu.

a 1

Trạm xạc xe điện phải được phủ sóng rộng rãi thì mới thuận lợi cho người sử dụng xe.

Tiềm năng nhưng cũng còn nhiều “rào cản”

Một trong những thế mạnh ở thị trường Việt Nam là có dân số trẻ, cùng với tốc độ kết nối Internet mạnh mẽ, cụ thể là lượng người sử dụng Internet qua điện thoại thông minh rất cao. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế hiện nay như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian. Tuy nhiên, hạ tầng thiếu thốn là trở ngại lớn nhất với Việt Nam.

Việt Nam hiện chưa có hệ thống các trạm sạc hay đổi pin rộng khắp nên xe điện khó phát triển. Cùng với đó, các chính sách phát triển xe điện chưa đồng bộ. Cụ thể với ô tô điện hiện chỉ được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và được miễn thuế nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, chưa kể các vấn đề về công nghệ như sạc pin tốn thời gian, quãng đường di chuyển ngắn.

Với công nghệ hiện nay, thời gian nạp đầy năng lượng cho 1 một chiếc xe điện khá lâu. Chẳng hạn, một chiếc ô tô điện có thể di chuyển quãng đường 300 km thì hết điện và cần khoảng 6 tiếng để sạc đầy pin. Do đó, để xe điện hoạt động bình thường đòi hỏi phải có hệ thống các trạm sạc và đổi pin trên đường. Nếu chưa có hạ tầng tốt, lái xe sẽ phải rất tiết kiệm như: có thể không sử dụng điều hòa, giữ dải tốc độ ổn định, không vọt ga, phanh gấp... Nếu chẳng may gặp tắc đường, lại không thể tắt máy thì có nguy cơ xe dừng giữa đường.

Trong khi đó, theo tính toán, để đầu tư một trạm sạc pin, chi phí còn lớn hơn một trạm bán xăng dầu hiện nay bởi phải sử dụng công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc phát triển mạng lưới sạc pin hay cho thuê pin rộng khắp không hề dễ dàng, đỏi hỏi rất nhiều vốn liếng và thời gian. Hơn nữa, giá ô tô điện hiện nay vẫn cao hơn ô tô chạy xăng, vì vậy cũng khó khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn.

Hiện tại, việc sản xuất, lắp ráp ô tô điện tại Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện 0% và thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% so với xe chạy xăng dầu thông thường. Những chính sách này được cho là chưa đủ hấp dẫn với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì thế, cần phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triện mạng lưới trạm sạc pin. Nếu không, những chiếc ô tô điện nếu có chạy cũng chỉ loanh quanh trong khoảng cách ngắn. Hạ tầng chưa có thì dùng xe điện chỉ để “làm cảnh”.

Liên quan tới đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện dưới 9 chỗ của Vingroup gần đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói “có thể xem xét” áp dụng thí điểm, bởi sẽ khuyến khích sản xuất, hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng ô tô điện thân thiện môi trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận