Google luôn tự tin rằng những chiếc xe tự hành của họ vô cùng an toàn và rất ít khả năng gây tai nan. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng tai nạn vẫn xảy ra, và khi đó, Google đã có kế hoạch B: giấy bẫy…người.
Google vừa đạt được chứng nhận dành cho bằng sáng chế mới của họ về việc phủ một loại keo dán cực mạnh vào phần đầu những chiếc xe tự hành của hãng. Bằng cách này, người đi bộ hoặc người đi xe đạp khi chẳng may va chạm với xe Google sẽ được bảo vệ khỏi “chấn động lần hai” (secondary impact).
Chấn động này là một phần của sự va chạm khi mà người bị phương tiện đang di chuyển hất văng ra, thường thì sẽ bị va chạm với mui xe, va chạm với mặt đường hoặc một chiếc xe khác. Đây cũng là thứ thường gây ra những chấn thương nguy hiểm nhất.
Bằng sáng chế này được nộp từ năm 2014 và có lẽ được thiết kế như một giải pháp tạm thời cho việc giúp xe tự hành an toàn hơn với người xung quanh, trước khi một công nghệ tự động an toàn hiện đại hơn được phát triển.
Về phần loại keo mà Google có ý định sử dụng thì theo mô tả trong bằng sáng chế, một chất liệu đặc biệt tương tự như vỏ trứng sẽ được phủ lên lớp keo dính để chiếc xe không trở thành một chiếc “bẫy côn trùng” thật sự khi chạy ngoài đường.
Nhưng liệu nó có thật sự có ích hay không? Theo như Rebecca Thompson, trưởng ban bộ phận cộng đồng của Hội Vật lý Mỹ, thì về mặt vật lý, chấn động xảy ra khi chỉ va chạm với đầu xe sẽ nhẹ hơn so với chấn động lần hai.
“Bị một chiếc xe đụng thì sẽ nhẹ hơn nhiều so với bị đụng rồi va chạm với mặt đường rồi lại bị một xe khác tông phải”, Thompson cho biết. “Những người đi xe đạp đội mũ bảo hiểm không phải để bảo vệ đầu khỏi va chạm với xe khác khi xảy ra tai nạn mà chủ yếu là để bảo vệ đầu khỏi va chạm với mặt đường khi té xe”.
Đây có vẻ là một ý tưởng khá hay, vậy thì tại sao không biến tất cả những chiếc xe khác thành một miếng keo dán khổng lồ mà chỉ có xe tự hành là được dùng?
Theo như Thompson thì khi có người bị dính trên đầu xe, chiếc xe khó có thể được điều khiển an toàn hoặc tệ hơn là sẽ cuốn chân hoặc tay của nạn nhân vào gầm xe (xe tự hành sẽ được lập trình để dừng lại khi tai nạn xảy ra). Nhưng cô cũng chỉ ra một lợi ích khi áp dụng kỹ thuật này lên các xe thông thường đó là nó sẽ ngăn khả năng xe gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường khi mà có người bị dính trên đầu xe.
Rất nhiều hãng xa đang nghiên cứu cách để giảm thiểu chấn thương cho người đi bộ khi xảy ra tai nạn. Chẳng hạn như Nissan có hệ thống nâng nắp capo, dùng các vụ nổ nhỏ để nâng nắp capo lên khi xảy ra tai nạn để ngăn chặn người đi đường bị chấn thương đầu.
Bằng sáng chế sử dụng keo dính để giảm chấn thương cho người đi đường của Google mang tính sáng tạo rất cao, nhưng theo như Dan Sturges, nhà thiết kế giao thông và giáo sư trợ giảng tại Đại học Nghiên cứu Sáng tạo ở Detroit thì Google có thể sử dụng công nghệ truyền tin từ xe đến người (V2P) để ngăn chặn tai nạn.
Anh nói: “Google có hệ điều hành Android mà rất nhiều người sử dụng, họ có thể đưa ra tính năng để các smartphone thông báo cho người dùng biết khi một tai nạn có thể xảy ra với mình”.
Tất nhiên, Google đã nói rằng điều này không có nghĩa là họ sẽ thật sự áp dụng bằng sáng chế này trên các chiếc xe của mình. Đây chỉ là một trong những nghiên cứu của hãng để giúp giảm khả năng xe tự hành gây ra tai nạn nghiêm trọng mà thôi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.