Chiều 9/9, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết. Khoảng 10h02 cùng ngày (9/9), cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông - Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).
Ngay sau sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố.
Được biết, sơ bộ xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 8 phương tiện rơi xuống sông, với khoảng trên 10 người gặp nạn khi cầu sập. Trong đó có 3 người đã được vớt, 2 người đang cấp cứu.
Cũng theo báo cáo, do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn; chưa xác định cụ thể về số người bị mất tích.
Tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với Bộ GTVT, Quân khu 2 và các lực lượng chức năng tích cực, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và các biện pháp cần thiết để tìm kiếm người mất tích; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.
Lãnh đạo Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, lực lượng công an, quân đội với hàng trăm người đã có mặt tại khu vực này, sẵn sàng cứu hộ.
Video: Sự cố sập cầu Phong Châu được camera hành trình của ô tô ghi lại
Trước đó, sáng 9/9, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tại cuộc họp sau đó, trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo tỉnh, Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an, cán bộ địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó sự cố. Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân.
Về giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị, đối với cầu Phong Châu, phải ngăn đường bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực không cho phương tiện đi vào.
Đồng thời, làm biển cảnh báo, hướng dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường biết.
Về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trước mắt tìm kiếm ven bờ, khi điều kiện cho phép sẽ triển khai tìm kiếm người và phương tiện.
Đề nghị tỉnh Phú Thọ và Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung cứu chữa, động viên người bị nạn và thân nhân. Tổ chức di dời dân khi lũ lụt dâng cao. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Chính phủ khi có vấn đề xảy ra.
Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995.
Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông; chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ, phù hợp với điều kiện thời tiết cho phép.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới bảo đảm vững chắc, lâu bền.
Với tình hình chung, đề nghị tỉnh phân công từng nhóm cán bộ, đánh giá các điểm có khả năng ngập lụt, di dời dân ngay; hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đề nghị tỉnh tập trung đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)… để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thuỷ nội địa điều phối lưu thông, hướng dẫn các phương tiện đường thuỷ không đi vào khu vực cầu sập. Các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương triển khai các phương án tìm kiếm các nạn nhân và xử lý sự cố.
Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 89 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu: Tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn, bảo đảm đời sống cho người dân theo quy định.
Các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công anh huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.
Chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.