Việc cấp phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng hiện được các DN đánh giá còn rườm rà. Ảnh: ST. |
Thời gian mất cả tháng
Công ty TNHH Tiếp vận Dasuka là DN chuyên làm dịch vụ logistics. Các dự án mà DN tiếp nhận thông thường là NK hàng hóa, máy móc lớn như máy nén từ thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc… qua cảng Hải Phòng hoặc XK máy móc hoàn chỉnh như máy biến thế sang thị trường EU… Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Huân, nhân viên Công ty cho biết: Do không có xe nên DN thường xuyên thuê đơn vị vận tải mỗi khi có nhu cầu chở hàng. Tuy nhiên, khi sử dụng xe siêu trường, siêu trọng, để thuận tiện DN thường chủ động làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) xin cấp phép lưu hành. Hiện tại làm hồ sơ giấy nên mỗi lần xin cấp phép, DN phải cử người đem hồ sơ từ trụ sở Công ty tại Bắc Ninh sang Hà Nội nộp và khi nhận giấy phép cũng tương tự. Trung bình, nếu hồ sơ đầy đủ không sai sót, thời gian từ khi nộp hồ sơ cho tới khi DN nhận giấy phép khoảng 7-10 ngày. Nếu gặp trục trặc, cần sửa chữa, bổ sung hồ sơ thì tùy trường hợp, thời gian có thể kéo dài lên nửa tháng, thậm chí lâu hơn. Việc làm hồ sơ giấy khiến DN tốn khá nhiều thời gian, công sức.
Liên quan tới vấn đề này, theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Vận tải Đại Việt Logistics (Hải Phòng): Thủ tục xin phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng không hề đơn giản. Cơ quan cấp phép thường yêu cầu DN phải trình phương án vận chuyển, thử tải cầu đường hoặc thuê đơn vị tư vấn thực hiện việc tính toán để thẩm định lại, sau đó mới quyết định có cấp phép hay không. Trong khi đó, DN không hề có sẵn hồ sơ về tình trạng cầu đường trên tuyến nên mất khá nhiều thời gian cũng như chi phí để tìm kiếm, khảo sát hệ thống cầu đường. Thời gian chờ đợi cơ quan quản lý thẩm định cũng không nhanh chóng khiến việc xin cấp phép có khi mất cả tháng.
Thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Ngoài vấn đề thời gian, cấp phép theo hồ sơ giấy đang áp dụng hiện nay nhiều khi còn khiến DN có hàng cần vận chuyển thiệt hại số tiền khá lớn do phải lưu hàng tại cảng. Ông Huân cho biết: Đối với hàng hóa thông thường, khi hàng cập cảng sẽ được lưu lại trong khoảng thời gian nhất định mà không bị tính phí. Tuy nhiên, các dự án mà DN nhận làm thường là hàng cỡ lớn nên ngay sau khi tàu cập cảng, hàng được dỡ xuống đã bắt đầu bị tính phí lưu container. Có trường hợp, do gặp trục trặc, chậm trễ trong quá trình xin cấp phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng, hàng về cảng mà chưa thể vận chuyển ngay nên DN phải chi thêm vài trăm triệu đồng cho việc lưu container. DN chịu thiệt thòi, Công ty làm dịch vụ logistics cũng bị ảnh hưởng nhất định tới hoạt động cũng như uy tín.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Dự kiến sắp tới khi áp dụng thí điểm việc cấp phép qua mạng, DN vận tải siêu trường, siêu trọng có nhu cầu xin cấp giấy phép chỉ cần đăng ký trực tuyến gửi hồ sơ đến cơ quan cấp phép, nhận thông báo xác nhận lịch hẹn làm việc và sau cùng là đến cơ quan quản lý hoàn tất thủ tục, nhận giấy phép. Hồ sơ sẽ được giải quyết nhanh chóng. DN hoàn toàn tiết kiệm được thời gian chạy đi chạy lại nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ có sai sót cần sửa chữa, bổ sung gì cũng đơn giản hơn cho DN. Tuy nhiên, việc cấp phép qua mạng không hoàn toàn thay thế việc cấp phép qua hồ sơ giấy. DN có quyền chủ động lựa chọn cách làm phù hợp.
Đánh giá về động thái này, đa phần DN có liên quan tỏ ra khá hào hứng. Theo ông Huân, vì có trụ sở tại Bắc Ninh, nếu triển khai cấp giấy phép qua mạng, DN sẽ tiết kiệm được nhân công, thời gian chạy qua chạy lại giữa Hà Nội-Bắc Ninh và ngược lại. DN cũng kỳ vọng việc cấp phép qua mạng sẽ rút ngắn được tổng thời gian cấp phép so với hiện tại, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt là tránh xảy ra tình trạng hàng đã cập cảng mà chưa có giấy phép, khách hàng sẽ bị phát sinh thêm chi phí.
Mặc dù ủng hộ và đặt nhiều hy vọng, tuy nhiên hầu hết DN cũng bày tỏ lo ngại trong thời gian đầu triển khai sẽ không tránh được trục trặc, vướng mắc. Bởi vậy, đa phần DN kiến nghị trước khi thí điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có hướng dẫn, tập huấn kỹ càng cho DN, đồng thời đồng hành tháo gỡ vướng mắc cùng DN trong suốt quá trình triển khai. Đặc biệt, có DN còn đề xuất, nếu có thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên duy trì một số điện thoại mang tính “hot line” túc trực thường xuyên để hỗ trợ DN khi cần thiết trong quá trình triển khai thủ tục.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.