Sau khi được tìm thấy, thi thể Trung tá Nguyễn Khắc Thường (sinh năm 1981), Đại úy Lê Quang Thành (sinh năm 1977) và Đại úy Lê Ánh Sáng (sinh năm 1990) đã được lực lượng chức năng đưa về nhà vĩnh biệt tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), cách hiện trường xảy ra sự việc khoảng 20km.
Tại nhà vĩnh biệt của Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai, người thân Trung tá Nguyễn Khắc Thường giọng buồn buồn nhớ lại: Sáng 30/7, anh Thường có gọi điện thoại về cho gia đình hỏi thăm sức khỏe của cha và cho biết, anh cùng tổ công tác đang tuần tra kiểm soát, khắc phục sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông trên tuyến đèo Bảo Lộc.
"Đến khoảng 15h cùng ngày, cả nhà bàng hoàng khi nghe tin đất đá vùi lấp trạm CSGT. Vợ của anh Thường nhận được tin dữ thì suy sụp hoàn toàn, đi không nổi nữa", người thân Trung tá Thường nghẹn giọng.
Nhận tin dữ chồng gặp nạn, vợ và con gái của Đại úy Lê Quang Thành tức tốc di chuyển gần 130km xuống hiện trường với hi vọng có một phép màu xảy ra. Thế nhưng, Đại úy Thành và 2 đồng đội đã ra đi mãi mãi. Nhận tin dữ, chị chết lặng. Anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, chị và con gái gánh chịu nỗi đau mất mát quá lớn.
Nỗi buồn đau như càng lớn hơn khi Đại úy Lê Ánh Sáng vừa tổ chức lễ ăn hỏi, dự kiến ngày 12/8 tới đây tổ chức đám cưới, thì tai họa ập tới. Anh hy sinh khi phía trước còn bao dự định, cống hiến. Công tác tại địa bàn Lâm Đồng, nhưng Đại úy Lê Ánh Sáng sinh ra, lớn lên ở Hà Tĩnh và hiện người thân, gia đình vẫn sinh sống ở quê hương Hà Tĩnh. Trong thời gian sống và làm việc ở Lâm Đồng và trước lúc hy sinh, Đại úy Sáng ở cùng gia đình nhà cô tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Theo cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh Lâm Đồng, công việc hằng ngày của Trạm CSGT Madaguôi qua tuyến đèo Bảo Lộc rất nặng nề, nhất là vào mùa mưa, cao điểm mùa du lịch của TP. Đà Lạt. Tuyến QL20 qua đèo Bảo Lộc là tuyến đèo huyết mạch, nối Lâm Đồng với các tỉnh Nam Trung bộ và TP. Hồ Chí Minh, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ, công việc của lực lượng cán bộ, chiến sĩ CSGT hết sức áp lực, nặng nề.
"Đặc biệt vào mùa mưa lũ, tuyến đèo Bảo Lộc thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Để đảm bảo giao thông trên tuyến an toàn, ngoài tuần tra kiểm soát, điều tiết, phân luồng, hướng dẫn giao thông, lực lượng cán bộ CSGT còn chủ động phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, ngành GTVT triển khai công tác khắc phục thiên tai, cứu hộ cứu nạn", cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Theo Đại tá Trương Minh Đương - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, vào khoảng 14h30 ngày 30/7, nhận thấy khu vực trạm CSGT đèo Bảo Lộc, tại Km 103+300, QL20 có nguy cơ sạt lở nên một số cán bộ, chiến sỹ Trạm CSGT Madaguôi (Phòng CSGT, Công an Lâm Đồng) trở về di dời phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.
Khi đang di dời trang thiết bị, bất ngờ một lượng lớn đất, đá đổ xuống vùi lấp 3 cán bộ, chiến sĩ, gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Thượng úy Lê Quang Thành, Thượng úy Lê Ánh Sáng và 1 người dân tên Phạm Ngọc Anh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, sáng 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến kiểm tra hiện trường vụ sạt lở vùi lấp trạm CSGT trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) và thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân tử nạn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.