Sau màn “chào sân” rầm rộ, Go-Viet tụt lại trong cuộc đua “đốt tiền”?

Doanh nhân 04/04/2019 07:31

Những trục trặc liên quan đến nhân sự cấp cao của hãng "kỳ lân công nghệ" Go-Viet khiến cho nhiều người hoài nghi rằng, phải chăng hãng này đang bị tụt lại trong cuộc đua "đốt tiền" của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam.

 

go-viet_qsss

Thông tin nhà sáng lập kiêm CEO Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh, phó tổng giám đốc phụ trách phát triển Go-Viet sẽ không còn tham gia điều hành Go-Viet khiến cho nhiều người bất ngờ. 

Go-Viet là công ty khởi nghiệp Việt Nam, nhận hỗ trợ vốn và công nghệ từ Go-Jek. Ứng dụng này chính thức vận hành từ tháng 8/2018. Tính đến thời điểm có sự xáo trộn về nhân sự, Go-Viet mới hoạt động được chưa đầy 1 năm. 

Trong lễ ra mắt hoành tráng tại Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Đức từng tuyên bố, chỉ sau 2 tháng thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, Go-Viet đã thu hút 35.000 tài xế xe công nghệ, 1,5 triệu lượt tải về ứng dụng của Go-Viet. Đáng chú ý, ông Đức thông tin, Go-Viet đã chiếm 35% thị phần xe ôm chỉ sau 2 tháng có mặt tại TP Hồ Chí Minh.

Thời điểm đó, Go-Viet không tiếc tiền chi cho các chương trình khuyến mại khủng khiến Grab cũng "sốt xình xịch" theo.

Thế nhưng sau màn "chào sân" hoành tráng, Go-Viet bắt đầu bộc lộ những điểm yếu về cả tiềm lực cũng như chính sách trong cuộc đua "đốt tiền" tốn kém này. Giờ đây những "trục trặc" về nhân sự cao cấp nhất tại Go-Viet lại khiến nhiều người nghi ngờ về tương lai của hãng này. 

Theo Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - Bùi Danh Liên, sự ra đi của các nhân sự cấp cao của Go-Viet phần nào cho thấy sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của hãng này. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thể nói trước được điều gì từ sự ra đi này. 

Ông Liên nhận định, trước sự thành công của Grab tại thị trường Việt Nam, nhiều hãng gọi xe công nghệ cho rằng, đây là thị trường béo bở. Thậm chí, Go-Jek còn chọn Việt Nam là nơi đầu tiên trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, trị giá 500 triệu USD của 4 nước. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, Go-Viet vào Việt Nam giữa lúc thị trường gọi xe đang không ổn định và có sự cạnh tranh khốc liệt.

Trong cuộc đua được ví là "đốt tiền" này thì chỉ có những doanh nghiệp có đủ tiềm lực và một chiến lược khôn ngoan mới có thể trụ lại và giành thị phần.

"Đó là quy luật của thị trường. Nếu không thể cạnh tranh được thì anh sẽ bị đào thải", ông Liên nói.

Theo phát ngôn từ phía Go-Việt, cả hai nhân sự cấp cao này sẽ không còn tham gia điều hành Go-Viet mà tiếp nhận vị trí cố vấn cho nền tảng gọi xe và đối tác chiến lược Go-Jek. Những thành viên còn lại của ban lãnh đạo của Go-Viet sẽ đảm nhận việc quản lý các hoạt động hàng ngày của công ty. 

Ý kiến của bạn

Bình luận