Sẽ bị cấm thi học kỳ nếu không mua BHYT?

11/09/2017 09:14

Học sinh, sinh viên bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế tại trường nơi mình đang theo học.

13-hoc-sinh_KTYJ
Việc mua BHYT đối với học sinh là quy định bắt buộc và phụ huynh phải mua BHYT cho con em mình tại trường nơi con mình học. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Vài ngày qua, cộng đồng mạng có nhiều luồng quan điểm xung quanh một bức ảnh có ý kiến của phụ huynh về bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh (HS).

Tranh luận mua hay không mua

Bức ảnh thông báo cho phụ huynh HS về việc đóng tiền bảo hiểm tại Trường Tiểu học Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội). Theo thông báo, số tiền BHYT mà mỗi HS phải đóng là 492.000 đồng/em. Số tiền bảo hiểm này áp dụng cho 12 tháng bảo hiểm, từ ngày 1-1 đến 31-12-2018.

Với những em đã vượt sáu tuổi trước ngày 1-1-2018 thì các em cần mua thêm phần BHYT cho tháng 9, 10, 11, 12 của năm 2017. Do đó, mức thu BHYT còn có thêm các mức 533.000 đồng, 574.000 đồng hoặc 615.000 đồng.

Trong thông báo này còn liệt kê thêm khoản bảo hiểm thân thể 100.000 đồng.

Điểm gây tranh luận là phần “ý kiến phụ huynh” ghi bên dưới thông báo.

“Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm. Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm thì tôi sẽ chủ động liên hệ với công ty bảo hiểm nào mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp chứ nhất định không thông qua khâu trung gian môi giới cò mồi. Yêu cầu Trường Tiểu học Hà Nội không làm phiền cha mẹ HS bằng việc làm không đúng chức năng này”. 

Nhiều người đồng tình với vị phụ huynh trên cũng cho rằng nhà trường đang làm không đúng chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Họ ủng hộ phụ huynh và cho rằng việc mua BHYT nói trên là tự nguyện chứ không bắt buộc.

Nhưng cũng có nhiều người cho rằng phản ứng của vị̣ phụ huynh là thái quá.

Vấn đề nổi bật và bất ngờ nhất trong cuộc tranh luận đa chiều này không phải ở chuyện ứng xử của phụ huynh thế nào mà là sự hiểu biết pháp lý và truyền thông về BHYT HS hiện bị hiểu sai lệch đáng báo động!

Pháp lý: Bảo hiểm y tế là bắt buộc

Theo Luật BHYT (sửa đổi năm 2014) thì “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”.

Theo đó, trẻ em dưới sáu tuổi thuộc nhóm được Nhà nước dùng ngân sách đóng bảo hiểm. HS-SV thì được hỗ trợ. Theo thông báo của bảo hiểm xã hội (BHXH) thì mức đóng BHYT HS-SV năm 2017-2018 (12 tháng) là 702.000 đồng. Trong đó HS-SV đóng 491.400 đồng, ngân sách hỗ trợ 211.000 đồng.

Bỏ tiền mua BHYT bắt buộc này thì HS-SV được gì? Theo Luật BHYT, người mua BHYT bắt buộc được chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh nếu đi đúng tuyến.

Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo tỉ lệ 40%-100% chi phí.

Như vậy, HS bắt buộc phải mua BHYT. Và theo Quyết định 595/QĐ-BHXH của Việt Nam về quy trình thu BHXH, BHYT … thì “định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng HS-SV đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho nhà trường đang học”.

Nhà trường ra thông báo thì cần phải nói rõ

Vấn đề của tấm ảnh gây bão dư luận không chỉ ở ý kiến phụ huynh. Có thể nhận thấy sự thiếu thông tin của Trường Tiểu học Hà Nội khi thông báo về việc mua BHYT.

Lẽ ra nhà trường nên nói rõ các căn cứ pháp lý, về sự bắt buộc đối với BHYT và càng phải nói rõ hơn khoản bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn là tự nguyện. Cách Trường Tiểu học Hà Nội ra một thông báo lập lờ, không nói rõ cái nào bắt buộc, cái nào tự nguyện, chỉ kêu đóng bảo hiểm chung chung đã khiến nhiều người bức xúc bởi lẽ bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thân thể là khoản tự nguyện.

Ý kiến của phụ huynh có lẽ sẽ đúng đắn hơn, ít bị chê trách hơn nếu phụ huynh này cũng hiểu rõ về hai phần bảo hiểm riêng biệt và phê rõ phần bảo hiểm nào là phần mình phản ứng và sẽ liên hệ “công ty bảo hiểm để mua”.

Các trường tiểu học, trung học nên sửa đổi cách ra thông báo của mình. Hoặc cơ quan BHXH nên có mẫu văn bản để các trường tham khảo và ra thông báo theo mẫu chung để nhận thức về BHYT của phụ huynh được đầy đủ.

Bắt buộc nhưng không đóng thì sao?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013, cá nhân bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng nếu không đóng BHYT.

Đây là quy định pháp luật. Còn trên thực tế các trường, nhất là các trường đại học lại dùng “lệ làng” để SV thực hiện “nghĩa vụ” mua BHYT bắt buộc.

Gần đây, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) ra thông báo yêu cầu SV đóng BHYT bắt buộc và khuyến khích SV mua bảo hiểm tai nạn. “Những trường hợp không tham gia là vi phạm quy định của nhà trường sẽ bị xử lý theo quy định”.

Trong khi đó, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã phát đi thông báo đến SV về mua BHYT. Trong thông báo nói rõ “BHYT là bảo hiểm bắt buộc. Những SV không tham gia BHYT hoặc có BHYT thuộc diện chính sách mà không photocopy nộp tại phòng y tế sẽ không được thi kết thúc học phần, không được xét thi đua khen thưởng, bị hạ bậc xếp loại kết quả rèn luyện trong năm học và sẽ bị xử lý kỷ luật”.

_____________________________

Ép học sinh mua bảo hiểm sẽ bị phạt 50 triệu đồng

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP. Đây là nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

Trong đó, hành vi ép mua bảo hiểm áp dụng với bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, đặc biệt là ép HS mua bảo hiểm được bổ sung vào danh sách các hành vi vi phạm với mức phạt lên tới 50 triệu đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận