Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đã khẳng định như vậy tại Hội nghị triển khai Quyết định 2288/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030 của Bộ GTVT.
Bắt khách dọc đường là một vấn nạn tồn tại tại Hà Nội rất nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý được |
Ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, Sở GTVT sẽ xử lý nghiêm xe khách chạy không đúng biểu đồ, sai luồng tuyến, nhất là các xe khách sau khi ra khỏi bến cố tình bắt khách dọc đường, gây ùn tắc giao thông…
“Có ý kiến đặt câu hỏi cơ quan quản lý Nhà nước quản lý thế nào để phương tiện hoạt động như vậy? Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp xử lý nghiêm ngặt đối với những phương tiện cố tình vi phạm…”, ông Linh nói.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, Sở sẽ quản lý hoạt động vận tải xe khách qua thiết bị giám sát hành trình (GPS-hộp đen). Qua theo dõi nếu phát hiện xe chạy sai luồng tuyến, chậm trễ, bắt khách dọc đường sẽ xử lý chủ doanh nghiệp vận tải ngay.
“Xe chở khách chạy từ Phú Thọ đến bến xe Mỹ Đình chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng nếu xe chạy tới 2-3 giờ thì DN vận tải phải giải trình vì sao chậm trễ. Nếu DN xác minh được sẽ nhắc nhở. Vi phạm lần thứ nhất thứ hai thì nhắc nhở, lần thứ ba thì tước phù hiệu và lần thứ tư là cắt nốt”, ông Linh khẳng định.
Phó giám đốc Sở GTVT cũng cho biết thêm, hiện Sở đã đề xuất UBND TP.Hà Nội cho xây dựng trạm dừng đỗ đón trả khách trên một số tuyến đường, theo đó chậm nhất trong tháng 9/2015 sẽ bắt đầu triển khai.
“Hành khách ở trạm Bắc Thăng Long quay lại bến xe Mỹ Đình để bắt xe đi Lào Cai, Phú Thọ… sẽ rất ngại và mất thời gian. Do vậy Sở GTVT đã trình UBND thành phố xin xây dựng trạm dừng đỗ đón trả khách...”, ông Linh cho biết.
Cũng tại Hội nghị sáng nay, Sở GTVT đã công bố triển khai Quyết định 2288/QĐ-BGTVT về phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030 của Bộ GTVT.
Quyết định đã quy hoạch chi tiết các tuyến đi và đến địa bàn Hà Nội sẽ được bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh/thành phố vào các bến xe theo nhu cầu và theo hướng tuyến tính kết nối với mạng lưới giao thông.
Cụ thể, các tuyến theo QL1, QL1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo đường HCM, QL6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng QL32, cầu Thăng Long đi vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát.
Đối với các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, tết.
Cũng tại Quyết định 2288 của Bộ GTVT, trong phần định hướng quy hoạch giai đoạn 2021-2030 cũng nêu rõ phải ưu tiên khai thác hiệu quả các bến xe xã hội hóa đã đầu tư xây dựng chưa khai thác hết công suất; Tổ chức các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tỉnh đối với các tuyến có thời gian giãn cách giữa các chuyến xe ngắn…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.