“Dính” lỗi oan vì biển tốc độ
Theo khảo sát của PV, sau khi Bộ GTVT có chủ trương xóa bớt biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h trên toàn quốc thì trên nhiều tuyến đường, tốc độ lưu thông đã được cải thiện đáng kể. Biển hạn chế tốc độ 40km/h chỉ xuất hiện ở các cung đường dốc, cong, đường rẽ ra từ đường cao tốc để vào đường gom. Trước đây, tình trạng biển báo được cắm thiếu khoa học, thậm chí cắm theo kiểu “cài bẫy” người đi đường chiếm con số không nhỏ. Báo GĐ&XH đã từng có loạt bài phản ánh tình trạng này ở hệ thống giao thông Thủ đô. Kết quả, nhiều biển báo đã được thay đổi vị trí, một số biển báo được lắp thêm. Điển hình là biển báo cấm phương tiện thô sơ, xe máy đi lên tầng 2 của cầu Thăng Long, được cắm ở chân cầu tầng một, phía bên phải đường theo hướng Đông Anh vào nội thành.
Ngày 5/5, theo phản ánh của độc giả Bạch Anh Tuấn, tại khu 1 (thị trấn Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), hướng đi từ Cổ Tiết (Tam Nông) về Yên Bái đang tồn tại hai biển báo “núp”. Một biển chỉ dẫn hướng lưu thông và biển sau báo khu vực đô thị. Hai biển này lần lượt bị che khuất bởi đống gạch và cây cối khiến người tham gia giao thông khó quan sát thấy nội dung khi đi qua. Độc giả Bạch Anh Tuấn cho rằng, nếu là người đi qua đường này lần đầu thì rất dễ bị vi phạm tốc độ khi đi vào khu vực đô thị.
Trước đó, vào đầu năm 2015, các tài xế chạy tuyến cao tốc hiện đại ở khu vực miền Nam là TP HCM – Long Thành – Dầu Giây phản ánh, biển báo tốc độ tối thiểu 60km/h trên tuyến cao tốc này ở đoạn vừa qua trạm thu phí ở quận 9 và chuẩn bị lên cầu Long Thành không hợp lý. Hệ quả để lại khiến nhiều lái xe tải bị mắc lỗi oan. Nguyên nhân khiến các xe tải không thể đạt tốc độ tối thiểu theo quy định của biển báo là do khoảng cách từ trạm thu phí đến vị trí đặt biển quá ngắn.
Cũng liên quan đến vấn đề tốc độ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam từng phải ra văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án 2 xem xét, báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh tốc độ khai thác tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) từ 80km/giờ lên 100km/giờ bằng đúng tốc độ thiết kế của dự án được duyệt. Đồng thời cắm biển hạn chế tốc độ phù hợp tại những vị trí chưa đạt tốc độ thiết kế trên đường cong nguy hiểm, có bán kính cong nhỏ, phía lưng đường cong ở giải phân cách giữa để đảm bảo an toàn giao thông.
Cắm biển báo dựa trên…kinh nghiệm
Mặc dù tình trạng biển báo bất cập, biển báo “bẫy” đã giảm sau khi Bộ GTVT có chủ trương rà soát nhưng khi hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng được cải thiện thì quy định tốc độ cũ dần lỗi thời. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, đặt biển báo an toàn, biển tốc độ phải phù hợp. Từ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp liên quan đến quy định tốc độ trên đường bộ. Bộ GTVT cho rằng, đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người dân.
Theo Bộ GTVT, tại cuộc họp này Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, hiện việc cắm biển hạn chế tốc độ khá tràn lan trên cả đường cũ và đường mới được xây dựng, nâng cấp. Với biển báo đã cắm trên các đường đang khai thác, đơn vị quản lý đường bộ ngại trách nhiệm, chưa rà soát, loại bỏ các biển báo không hợp lý do đơn vị thi công cắm. Thậm chí, một số địa phương còn kiến nghị tăng thêm biển hạn chế tốc độ để đạt chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông. Về cơ sở pháp lý để cắm biển, Vụ An toàn giao thông cho rằng đang thực hiện theo Thông tư 13 nhưng chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm từ các nước trong khu vực.
Về Thông tư mà ngành giao thông đang áp dụng để cắm biển, ông Vũ Sỹ Quý, chuyên viên Vụ An toàn giao thông cho biết, văn bản này đang khiến các cơ quan quản lý đường bộ lúng túng vì không biết cắm biển tốc độ bao nhiêu. Việc cắm biển báo tốc độ 40km/h cũng không có cơ sở khoa học.
Còn theo ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT), các nước chỉ cắm biển tốc độ tối đa chung cho một tuyến đường chứ không thể đang ở tốc độ chung toàn tuyến là 80km/h lại có biển hạn chế 50km/h gây khó cho người đi đường. Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng đồng quan điểm khi cho rằng cần nâng tốc độ khai thác lên đúng bằng tốc độ thiết kế.
Để sử dụng hết tính năng của các tuyến đường hiện đại mới đưa vào sử dụng, một số đơn vị của Bộ GTVT đã đề xuất tăng tốc độ khai thác. Đơn cử, ngoài tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được đề xuất cho tăng tốc độ lên 100km/h thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất cho phép khai thác đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ cầu Nhật Tân đến đoạn cầu sông Kiếp (Hà Nội) được tách riêng xe máy, đường thẳng, quy mô lớn được khai thác tốc độ 100km/h.
Theo Gia đình & Xã hội
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.