Sẽ không có ai chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân toàn diện

Tác giả: SOHA

saosaosaosaosao
Ứng dụng 19/03/2018 05:59

Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có đủ năng lực hủy diệt nước Nga, đó là tuyên bố của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, tướng John Hayten

photo1521079328315-15210793283151024885458

Cả Nga và Mỹ đều hiểu rõ rằng sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân vì thế việc sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ là "cực chẳng đã" 

Thông tin được tướng John Hayten đưa ra có thể gây ấn tượng mạnh với người dân Mỹ, nhưng đối với giới chuyên gia quân sự và Nga điều đó hoàn toàn bình thường giống như những lời tuyên bố cứng rắn của Washington từ thời chiến tranh Lạnh.

Thực tế, không chỉ có Mỹ, mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân Nga cũng thừa khả năng hủy diệt nước Mỹ. Vấn đề chỉ là Moscow không bao giờ đưa ra lời “đe dọa” như tuyên bố của tướng John Hayten.

Tuyên bố của tướng John Hayten có thể coi là động thái hối thúc Washington cần có biện pháp đối trọng lại hàng loạt vũ khí tấn công chiến lược mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang 2018. Và rõ ràng, khi Mỹ chưa có các dòng vũ khí mới đối trọng thì vũ khí hạt nhân chiến lược như tàu ngầm hạt nhân có thể coi là “câu trả lời” hợp lý.

Nga và Mỹ đều sở hữu hạm đội tàu ngầm hạt nhân có khả năng hủy diệt thế giới.

Nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân

Đối với cả Nga và Mỹ, vũ khí hạt nhân chiến lược được xây dựng trên nguyên tắc tấn công phủ đầu và đánh trả.

Các đợt tấn công phủ đầu nhằm mục đích hạn chế năng lực hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn lực lượng tiến công chiến lược của đối phương với mục tiêu chính là các trung tâm chỉ huy chiến lược, căn cứ tên lửa, căn cứ không quân và hải quân chiến lược của đối phương.

Trong khi đó, đòn tấn công đánh trả là hành động đáp trả lại khi hệ thống cảnh báo sớm tên lửa phát hiện mục tiêu đạn đạo bắn tới hoặc thời điểm đầu đạn hạt nhân tấn công của đối phương đánh trúng mục tiêu. Thông thường đây là tín hiệu kích hoạt cuộc phản công toàn diện bằng vũ khí hạt nhân.

Sự ra đời của học thuyết tấn công phủ đầu đã buộc Nga và Mỹ tính tới khả năng sống sót của các đơn vị tấn công chiến lược trong kịch bản bị tấn công phủ đầu và dịch chuyển khả năng tiến công chiến lược từ các đơn vị có khả năng sống sót thấp trên không, trên bộ xuống tàu ngầm chiến lược.

Vai trò của tàu ngầm chiến lược trong “bộ ba hạt nhân”

Theo tính toán của giới chuyên gia quân sự, trong cơ cấu “bộ ba hạt nhân”, tàu ngầm chiến lược là lực lượng có khả năng sống sót cao nhất sau các đòn tấn công phủ đầu.

Sau đòn tấn công hạt nhân phủ đầu, lực lượng có khả năng bị thiệt hại nặng nhất trong “bộ ba hạt nhân” là các đơn vị máy bay ném bom chiến lược, khi các căn cứ không quân bị phá hủy khiến chúng không thể cất cánh để tung đòn phản công.

Trong khi đó, lực lượng tên lửa chiến lược trên bộ dù được thiết kế đặt trong các giếng phóng kiên cố, được thiết kế để chống lại các đợt tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, khả năng này chỉ đúng với các loại vũ khí hạt nhân thế hệ cũ.

Tư duy giếng phóng có thể tồn tại sau đòn tấn công phủ đầu không còn đúng với các loại vũ khí hạt nhân thế hệ thứ 4 và 5. Với khả năng tấn công gần như chính xác tuyệt đối (sai số chỉ tính bằng mét), thì không có thiết kế giếng phóng nào có thể tồn tại được khi trúng đòn tấn công hạt nhân trực tiếp.

Các đơn vị ICBM của Nga được triển khai trên các xe chuyên dụng để nâng cao khả năng sống sót trong chiến tranh hạt nhân.

Để nâng cao khả năng sống sót của các đơn vị ICBM trên bộ, hầu hết lực lượng tên lửa chiến lược tấn công nhanh trên bộ của Nga đều được đặt trên xe dã chiến để nâng cao khả năng sống sót trong kịch bản tấn công hạt nhân toàn diện.

So với lực lượng tên lửa chiến lược trên bộ và không quân chiến lược trong “bộ ba hạt nhân”, các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược có những lợi thế rất lớn trong các đòn tấn công phủ đầu hay tấn công trả đũa. Do đặc thù hoạt động dưới lòng đại dương, việc phát hiện và theo dấu tàu ngầm chiến lược rất khó khăn.

Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân có thể coi là “căn cứ tên lửa nổi" với số lượng lớn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mang theo. Cả Nga và Mỹ đều coi tàu ngầm hạt nhân lực lượng tấn công chính trong chiến tranh hạt nhân.

Điều này có thể thấy rõ ràng trong việc điều chỉnh chiến lược phát triển “bộ ba chiến lược” của Nga và Mỹ trong vài thập kỷ gần đây. Nếu đầu những năm 1990, số lượng đầu đạn hạt nhân triển khai trên tàu ngầm chiến lược chỉ chiếm 28% khả năng răn đe hạt nhân của Nga, thì tới thời điểm hiện tại, con số này đã lên trên 60% (khoảng 1.550 đầu đạn).

Trong tương lai, quy mô và khả năng tiến công của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Nga còn được mở rộng với dòng SLBM Bulava mới.

Xu hướng này cũng tương tự với Mỹ. Washington đang duy trì 12 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang theo 240 SLBM Trident II với khoảng 1.090 đầu đạn hạt nhân hạng nặng.

Như vậy rõ ràng tuyên bố của tướng John Hayten về việc tàu ngầm hạt nhân Mỹ có khả năng tấn công hủy diệt nước Nga là có cơ sở. Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ xảy ra vì không ai muốn đẩy thế giới tới một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện và sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc chiến như vậy!

Ý kiến của bạn

Bình luận