Hiện trường một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại Km 106 + 300 thuộc địa bàn xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định làm 1 người chết và 3 người bị thương nặng. (Ảnh: TTXVN) |
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau gần 6 tháng lắp đặt thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật tại đường ngang thu được nhiều kết quả tích cực.
Dự kiến, tháng 11 tới, Tổng công ty sẽ có đánh giá tổng thể trước khi thực hiện trên các tuyến đường sắt.
Cụ thể, tháng 3/2019, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật trên đường ngang dân sinh qua đường sắt tại Km 167+980 tuyến đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua đường ngang dân sinh ở xã Hoằng Lý, thành phố Thanh Hóa.
Qua theo dõi đánh giá của các chuyên gia dự án cho thấy, dự án đã đảm bảo các yêu cầu đề ra đó là đã cảnh báo được nguy cơ mất an toàn tại các đường ngang do lỗi chủ quan của nhân viên gác chắn như quên, chậm đóng chắn, thao tác không đúng quy trình, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu tàu va phải phương tiện đường bộ tải trọng lớn.
Đặc biệt, tại các vị trí đường ngang, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn mà nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát... khi thử nghiệm radar phát hiện chướng vật những yếu tố trên đã được loại trừ.
Một cán bộ Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh (đơn vị phụ trách thí điểm dự án này) cho biết, cơ chế hoạt động của hệ thống radar là phát hiện khi tàu đến qua bộ cảm biến tiếp cận, đèn và chuông trên cột tín hiệu đường bộ tự động cảnh báo.
Trong vòng 20 giây, khi chuông trong đài thao tác kêu, đèn hướng lẻ sáng để nhắc nhở tàu lẻ đến gần đường ngang, nếu nhân viên không ấn nút “ghi nhận,” thì hệ thống sẽ hoạt động ở chế độ tự động.
Tiếp đó, hệ thống kiểm tra chướng ngại vật sẽ tự động bắt đầu giám sát xem trong khu vực đường ngang có chướng ngại vật hay không.
Nếu kiểm tra được có chướng ngại vật trong khu vực đường ngang, hệ thống sẽ cảnh báo còi và đèn trên đài thao tác để nhắc nhở nhân viên gác chắn kịp thời xác nhận và chuẩn bị khẩn cấp, đồng thời, cần chắn nâng lên, rồi hạ xuống cho chướng ngại vật ra khỏi phạm vi đường ngang.
Mặt khác, việc xây dựng các tính năng hoạt động, xử lý thông tin tự động của hệ thống dựa trên các tình huống điển hình thường xảy ra tại đường ngang như người tham gia giao thông tự ý nhấc cần chắn khi chắn đã đóng để điều khiển phương tiện đi vào đường ngang; phương tiện đường bộ không tuân thủ tín hiệu dừng như chuông, đèn, cố tình đi vào đường ngang khi cần chắn đang đóng, tàu sắp qua…
Chia sẻ thêm về cách thức bố trí thiết bị radar cảnh báo, ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, tại đường ngang có nhân viên gác chắn sẽ lắp 4 chắn, mỗi bên về 2 phía đường bộ có 2 cần sẽ hạ xuống, khép kín khi sắp có tàu qua.
Tại các góc đường ngang sẽ lắp các radar gồm radar phát hiện chướng ngại tĩnh và radar phát hiện chướng ngại động.
Qua radar phát hiện có chướng ngại tại đường ngang khi cần chắn đã đóng hoàn toàn, hệ thống sẽ cảnh báo còi và đèn trên đài thao tác để nhắc nhở nhân viên gác chắn kịp thời xác nhận xử lý và chuẩn bị khẩn cấp, đồng thời 2 cần chắn hai phía đường ngang nâng lên rồi hạ xuống cho chướng ngại vật ra khỏi phạm vi đường ngang.
Ông Nguyễn Như Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh (đơn vị quản lý gần 300km tuyến đường sắt Bắc-Nam) cho hay, nếu dự án được triển khai đồng bộ trên các tuyến không chỉ giúp hỗ trợ cảnh giới tại đường ngang, phòng ngừa các yếu tố do chủ quan người lao động, còn tăng tính tự động hóa, giảm cường độ lao động cho nhân viên gác chắn.
“Về lâu dài, khi hệ thống được áp dụng tại nhiều đường ngang sẽ giảm khoảng một nửa lao động gác chắn, qua đó sẽ có điều kiện tăng thu nhập cho nhân viên gác chắn đảm bảo đời sống cho người lao động,” ông Nguyễn Như Bình chia sẻ.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây là thiết bị hiện đại được lắp đặt lần đầu tiên trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Hệ thống này hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có nhiều điểm ưu việt hơn các hệ thống tín hiệu đường sắt từ trước đến nay.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lắp đặt hơn 1.500 camera giám sát nhưng thời qua vẫn xảy ra hàng loạt vụ tai nạn.
Vì vậy, hệ thống Radar phát hiện sớm chướng ngại vật tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín đang được Tổng công ty lắp đặt thử nghiệm với kỳ vọng sẽ tăng độ an toàn chạy tàu khi qua các đường ngang.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hệ thống đường sắt cả nước hiện có 1.517 đường ngang; trong đó, có 388 đường ngang có biển báo, 649 đường ngang có người gác và 480 đường ngang cảnh báo tự động.
Việc không đồng bộ thiết bị cảnh báo giữa các đường ngang trước vận tốc tàu chạy tối đa 80 km/giờ sẽ khiến hệ thống cảnh báo đường sắt không thể phát hiện được sớm chướng ngại vật để báo động kịp thời, dẫn đến sự lơ là của nhân viên gác chắn… Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn đường sắt.
Đánh giá về tình hình bảo đảm an toàn giao thông đường sắt thời gian qua, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trong tháng Bảy vừa qua, tỷ lệ tai nạn giao thông đường sắt có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, nếu tính cả 7 tháng thì tỷ lệ tai nạn giao thông đường sắt lại giảm.
“Qua theo dõi các năm thì cứ vào thời điểm tháng Bảy và tháng Tám tình hình tai nạn luôn diễn biến phức tạp hơn so với thời gian khác. Nguyên nhân vù thời điểm này rơi vào mùa mưa. Đặc biệt khu vực phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai thường xuyên bị sụt trượt dẫn đến việc bảo đảm an toàn chạy tàu rất khó khăn,” ông Minh thông tin.
Về nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua, ông Vũ Anh Minh cho rằng, tai nạn giao thông trên tuyến đường sắt thì yếu tố đầu tiên vẫn là ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao.
Nếu đến trước đường sắt nếu có đèn đỏ dừng lại như chúng ta thường làm trên đường bộ thì sẽ không có những vụ tai nạn đường sắt thương tâm.
Do đó, ông Vũ Anh Minh nhận định, để giảm thiểu tai nạn đường sắt thì việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông là quan trọng nhất.
Trong thời gian tới, ngành đường sắt tiếp tục phối hợp với địa phương để rào đóng từng bước các đường ngang dân sinh đi qua dường sắt.
Với gói ngân sách 7.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa phê duyệt ngành đường sắt kỳ vọng xóa được trên dưới 700 lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt và nâng cấp được hạ tầng chạy tàu.
Đối với ngành đường sắt, Tổng công ty tiếp tục tăng kỷ cương với nội bộ (ngành đường sắt) khi đường sắt ban hành các nội quy quy chế xử lý người đứng đầu gắn trách nhiệm, tăng nặng chế tài từng bộ phận của đường sắt.
Ngành đường sắt tiếp tục đề nghị các địa phương có tuyến đường sắt đi qua mà thường xuyên xảy ra tai nạn tăng cường tuyên tuyền người dân về ý thức tham gia giao thông đường sắt./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.