Hoàn thiện công tác đào tạo, sát hạch
Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, đến nay cả nước có 333 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và máy kéo thuộc các bộ, ngành và địa phương, được phân bố hợp lý, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân. Bên cạnh đó còn có 121 trung tâm sát hạch lái xe (TTSHLX), gồm 45 trung tâm loại 1 (sát hạch từ hạng mô tô A1 đến xe kéo rơ-mooc hạng F) và 76 trung tâm loại 2 (sát hạch từ mô tô hạng A1 đến xe tải hạng C) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các thành phần kinh tế xây dựng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm sát hạch lái xe được xây dựng theo quy chuẩn, áp dụng công nghệ hiện đại, tự động chấm điểm, công khai hóa quá trình và kết quả sát hạch của từng thí sinh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục ĐBVN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cả nước; tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX; phối hợp với Cục CSGT để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm. |
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo vẫn chưa bắt kịp với thực tế, nhiều quy định trở nên lạc hậu. Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và Người lái, Tổng cục ĐBVN cho biết, năm 2018 Tổng cục đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Đồng thời, căn cứ Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ với các nội dung như:
Bổ sung Khoản 9 và Khoản 10 Điều 3 làm rõ thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe: Thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe gồm: Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca-bin học lái xe ô tô. Thiết bị mô phỏng để sát hạch lái xe là hệ thống các máy tính (tối thiểu 20 máy có nối mạng) và được cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;
Sửa đổi, bổ sung Điều 5 quy định về trách nhiệm của cơ sở đào tạo: Sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ứng dụng công nghệ để quản lý thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1) theo lộ trình quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Thông tư này;
Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ giáo viên dạy thực hành lái xe bao gồm các nội dung: Cập nhật kiến thức mới và hệ thống văn bản QPPL về lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và kỹ năng xử lý tình huống lái xe an toàn; cơ sở đào tạo lái xe trang bị và duy trì ca-bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành để đào tạo lái xe;
Sửa đổi Khoản 5 Điều 6 bổ sung quy định về lưu trữ và thời gian lưu trữ giữ liệu giám sát để phục vụ công tác thanh, kiểm tra: Lưu trữ 02 năm đối với dữ liệu quản lý thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1), dữ liệu giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên;
Sửa đổi Khoản 3 Điều 13 và Khoản 3 Điều 14 quy định về chương trình và phân bổ thời gian đào tạo lái xe: Đối với các hạng B1, B2, C bổ sung nội dung học lý thuyết: Môn học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: 4 giờ; bổ sung nội dung học thực hành: Tổng số giờ học thực hành trên ca-bin học lái xe ô tô (theo số học viên được quy định trên 01 xe tập lái) đối với hạng B1, B2 là 15 giờ và hạng C là 24 giờ; đối với đào tạo lái xe nâng hạng: Bổ sung nội dung học lý thuyết: Môn học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: 02 giờ; bổ sung nội dung học thực hành: Tổng số giờ học thực hành trên ca-bin học lái xe ô tô (theo số học viên được quy định trên 01 xe tập lái) đối với học nâng hạng là 8 giờ;
Sửa đổi Khoản 7 Điều 18 bổ sung quy định nhằm tăng cường giám sát công tác sát hạch lái xe: Thực hiện giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các bài: Dừng và khởi hành xe trên dốc, vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ bằng camera IP, lưu trữ được hình ảnh sát hạch (dạng video) tối thiểu 30 ngày kể từ ngày sát hạch; thiết bị kết nối và lưu trữ dữ liệu tại trung tâm sát hạch có khả năng lưu trữ hình ảnh (dạng video) tối thiểu 30 ngày kể từ ngày sát hạch, đồng bộ dữ liệu hình ảnh với độ phân giải HD trở lên; đảm bảo việc công khai tại trung tâm sát hạch theo quy định và Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, sở GTVT có thể truy cập giám sát quá trình sát hạch; các thiết bị được lắp đặt theo lộ trình quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Thông tư này.;
Sửa đổi Điều 47 quy định lộ trình thực hiện bổ sung thiết bị phục vụ công tác đào tạo lái xe: Các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để quản lý thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1) từ ngày 01/01/2020; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông từ ngày 01/01/2021;
Sửa đổi Điều 47 quy định lộ trình thực hiện bổ sung thiết bị phục vụ công tác sát hạch lái xe: Trung tâm sát hạch lái xe lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục ĐBVN và sở GTVT từ ngày 01/01/2020; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01/01/2021.Tổng cục ĐBVN và sở GTVT sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01/01/2021.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 8/01/2019 yêu cầu cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát góp ý kiến đối với Dự thảo Thông tư, Bộ GTVT đã gửi các cơ quan liên quan xin ý kiến và thống nhất bổ sung quy định về thời gian tối thiểu được sát hạch lại trong trường hợp thí sinh không đạt kỳ sát hạch trước đó, đảm bảo có đủ thời gian để thí sinh ôn luyện, tránh trường hợp có địa phương tổ chức sát hạch lại ngay ngày hôm sau cho thí sinh không đạt kỳ sát hạch ngày hôm trước. Qua rà soát, đơn vị soạn thảo và đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư xin đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung: Quy định đình chỉ và hủy bỏ kết quả sát hạch đối với trường hợp thí sinh mang điện thoại hoặc thiết bị truyền tin trong phòng sát hạch lý thuyết hoặc trên xe sát hạch; Quy định lưu trữ 5 năm đối với hồ sơ đổi GPLX nước ngoài, GPLX do ngành Công an, hồ sơ đổi GPLX quân sự do Bộ Quốc phòng cấp; bổ sung quy định hành vi bị tước GPLX là hành vi lái xe không an toàn để áp dụng đối với các trường hợp nâng hạng GPLX (lái xe bị tước GPLX phải sau 3 năm hoặc 5 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm mới được nâng hạng GPLX).
Nâng cao chất lượng công tác sát hạch
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Giáo trình Đào tạo sát hạch GPLX đã được Bộ GTVT nghiên cứu, tham khảo của các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore và CHLB Đức để biên soạn lại bộ giáo trình đào tạo lái xe phù hợp thực tế và bổ sung đầy đủ các tình huống giao thông cho phù hợp, sát với thực tiễn như: Nút giao phức hợp, đường bộ giao cắt với đường sắt, điểm ra vào đường cao tốc, nút giao từ đường phụ ra đường chính; đường đèo dốc, đường có sương mù, đường trơn trượt, đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt sông lớn...
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVNkiểm tra thiết bị chấm điểm, sát hạch lái xe |
Chúng ta phải khẳng định rằng công tác sát hạch lái xe được xác định là khâu quan trọng, nhằm đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học trước khi cấp GPLX. Hiện nay, chúng ta đã sử dụng thiết bị chấm điểm tự động trong tất cả các nội dung sát hạch. Trong thời gian tới tiếp tục triển khai các giải pháp: Đối với bộ câu hỏi và phần mềm dùng để sát hạch lý thuyết bổ sung để tăng số lượng câu hỏi trong bộ đề sát hạch từ 450 lên 600 câu hỏi và lộ trình tăng dần theo hàng năm. Các câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành; tăng số lượng câu hỏi trong 01 đề sát hạch, dự kiến hạng B2 từ 30 câu lên 36 câu, hạng C từ 30 câu lên 40 câu, hạng D, E và các hạng F từ 30 câu lên 45 câu.
Tiếp đó, sẽ giảm thời gian thực hiện sát hạch, dự kiến từ 20 phút xuống 17 phút đối với hạng B1, 20 phút đối với hạng B2, 22 phút đối với hạng C và 25 phút đối với hạng D, E và các hạng F; lựa chọn một số câu hỏi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT nghiêm trọng như: Không tuân thủ tín hiệu đèn, vi phạm vạch phân làn tại ngã tư; không dừng xe tại nơi giao nhau với đường sắt để truất quyền sát hạch khi thí sinh trả lời không đúng.
Đối với nội dung sát hạch: Nghiên cứu, xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông như điều khiển xe qua các nút giao phức hợp, đường bộ giao cắt với đường sắt, điểm ra vào đường cao tốc, nút giao từ đường phụ ra đường chính; đường đèo dốc, đường có sương mù, đường trơn trượt, đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt sông lớn… và các tình huống tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT nghiêm trọng để chuyển giao cho các trung tâm sát hạch, bổ sung nội dung sát hạch.
Đối với việc giám sát quá trình sát hạch: Hướng dẫn các trung tâm sát hạch lựa chọn, lắp đặt camera, đường truyền để kết nối trực tiếp dữ liệu hình ảnh phòng sát hạch lý thuyết và hình ảnh quá trình sát hạch thực hành lái xe trong hình của học viên tại các bài sát hạch mà thí sinh dễ mắc lỗi đến sở GTVT và để các cơ quan chức năng có thể giám sát trực tiếp quá trình sát hạch; tổ chức lưu trữ tại các trung tâm sát hạch lái xe theo quy định phục vụ công tác thanh, kiểm tra.
Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe theo quy định tại tất cả các sở GTVT trong toàn quốc; công khai địa điểm, thời gian tổ chức các kỳ sát hạch; kế hoạch đào tạo của các khóa đào tạo lái xe ô tô và mô tô của các cơ sở đào tạo lái xe trên trang thông tin điện tử của sở GTVT để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát; tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý sát hạch, hội đồng sát hạch, tổ sát hạch và hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, công tác đào tạo; phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả, khai báo mất để được cấp lại GPLX...
Cũng theo ông Huyện, việc triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục các giải pháp nêu trên với sự tham gia đầy đủ, kiên quyết của các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo lái xe, các TTSHLX và sự đồng tình hưởng ứng của người học sẽ khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý đào tạo sát hạch, cấp GPLX thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, góp phần giảm thiểu tai nạn và UTGT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.