Mới đây, Dự thảo Thông tư bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được công bố nhằm lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan, của cơ quan chuyên môn và hãng hàng không. Tuy nhiên, các nhà làm Luật cho rằng một số nội dung trong dự thảo Thông tư này gây nhiều tranh cãi vì trái với quy định của Luật Lao động hiện hành.
Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định về thời hạn thông báo khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên hàng không trình độ cao, trong đó nhân viên hàng không trình độ cao (phi công, kỹ thuật máy bay – PV) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các Luật sư thì quy định này đã trái với Bộ Luật Lao động, bởi khoản 3 Điều 37 BLLĐ năm 2015 quy định “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày…”.
Một nội dung khác của dự thảo Thông tư bổ sung quy định mới về nhân viên hàng không trình độ cao cùng với những quy định đi theo dành cho đối tượng này về thời hạn thông báo chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và những nội dung bồi thường chi phí đào tạo dành riêng cho đối tượng này là sự phân biệt đối xử, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động trong việc tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc và vi phạm quy định của Bộ Luật Lao động về giao kết hợp đồng lao động, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động.
Với nội dung này, văn bản góp ý của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air gửi lên Bộ GTVT đã kiến nghị trường hợp bổ sung khái niệm nhằm mục đích làm rõ các đối tượng áp dụng thì các điều kiện, điều khoản quy định dành cho đối tượng này phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và không ảnh hưởng, gây thiệt hại đối với quyền và lợi ích chung của người lao động đã được Bộ luật lao động quy định rõ và bảo vệ.
Được biết, thời gian lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay được “chốt” vào ngày 30/4, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin về kết quả góp ý cho những vấn đề nói trên.
Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Các Bộ ngành có vai trò quan trọng nhất là Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn chưa có phản hồi với Bộ GTVT, vậy nên Bộ vẫn chờ ý kiến góp ý chính thức của các Bộ ngành này rồi mới có quyết định cuối cùng về Thông tư.
“Nếu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không thông qua thì Bộ GTVT cũng sẽ điều chỉnh những quy định bổ sung trong Thông tư nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với Bộ Luật Lao động hiện hành” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Cần phải nói thêm rằng, những quy định nói trên được bổ sung trong dự thảo Thông tư này xuất phát từ việc nhiều nhân viên hàng không kỹ thuật cao của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) xin nghỉ việc để sang làm việc tại hãng hàng không khác, các nhân viên này bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng tàu bay.
Sự việc diễn ra rải rác xảy ra trong năm 2014 và đỉnh điểm là việc hơn 100 phi công của đội bay Airbus xin nghỉ ốm hàng loạt vào đầu năm 2015. Hiện tượng này được cho là hình thức lãn công tập thể đã đe dọa nghiêm trọng tới an ninh an toàn hàng không, an ninh kinh tế và chính trị quốc gia. Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines.
Theo Dân Trí
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.