Lực lượng chức năng đang xử lý ô tô vi phạm. Ảnh: TL |
Cố định hàng hóa trước khi tham gia giao thông
Tại văn bản số 9516/BGTVT của Bộ GTVT gửi đến các cơ quan liên quan nêu rõ, thời gian qua, trên một số phương tiện, việc xếp, chằng buộc, chèn chống, cố định hàng hóa không đảm bảo chắc chắn, dễ xảy ra xê dịch, va chạm, rơi vãi trong quá trình vận chuyển, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đe dọa sự an toàn của người dân địa phương sống dọc tuyến đường.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Bộ GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động tuyên truyền việc thực hiện các quy định về bốc xếp hàng hóa trên xe ô tô tới các đầu mối bốc xếp. Lực lượng thanh tra các sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của các bên liên quan trong việc thực hiện các quy định an toàn khi vận chuyển hàng hóa trên đường. Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cảng biển, cảng/bến thủy nội địa, cảng cạn, nhà ga đường sắt phải kiểm tra việc xếp, cố định hàng hóa trên xe ô tô để đảm bảo an toàn trước khi rời khu vực lấy hàng tham gia giao thông đường bộ.
Thanh tra Sở GTVT ở các tỉnh thành phải có trách nhiệm phối hợp với lực lượng cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa xác minh các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, tiến hành xử phạt theo quy định đối với chủ thể vi phạm.
Các đơn vị quản lý vận tải như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải, chủ xe, chủ hàng, chủ động kiểm tra xe mình cố định hàng hóa trước khi xuất phát. Trong đó, đặc biệt lưu ý và yêu cầu lái xe chở hàng nặng, tải trọng lớn (sắt, thép, vật liệu xây dựng,..) cần đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi xuất phát tham gia giao thông. Đồng thời, giữ cự ly hợp lý với các phương tiện khác, hạn chế phanh gấp, tuân thủ chặt chẽ quy định về tốc độ trên đường khi vào cua, lên xuống dốc, tầm nhìn bị hạn chế.
Xử phạt chỉ là “muối bỏ biển”?
Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước là kịp thời, nhanh chóng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đây chỉ là trường hợp vi phạm điển hình. Trên thực tế, thực trạng này đã diễn ra rất nhiều năm và còn rất nhiều những trường hợp vi phạm mà chủ phương tiện “né” được cơ quan chức năng, hoặc khi vi phạm thì chỉ bị “nhắc nhở” nhẹ nhàng.
Là người thường xuyên chở hàng từ Thường Tín đến điểm chợ khu phố Quan Nhân bán nên chị Nguyễn Thị Hương (32 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) phải rời nhà vào thời điểm mọi người đang say giấc, khoảng 3 - 4h sáng. Trên những cung đường mưu sinh của mình, chị Hương không ít lần phải giật mình, bởi tiếng động lớn từ những chiếc xe đổ vật liệu ven đường, hay sự nguy hiểm rình rập từ những xe làm đổ vật liệu xây dựng ra đường.
Chị Hương cho biết: “Thời điểm tảng sáng khi mọi người đang ngủ là tôi đi chợ, đó cũng là thời điểm vắng vẻ nhất để các xe chở hàng, chở vật liệu xây dựng “lộng hành”. Có những buổi chợ tôi đang chạy xe, bất ngờ có xe chở hàng bất ngờ đổ hàng hoá ngay bên đường. Nhiều hôm đi đường bỗng tiếng còi xe to quá khiến tôi giật mình hoảng sợ. Thậm chí, xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi giữa đường, khiến tôi lo lắng về sự nguy hiểm tính mạng có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhất là chúng tôi thường xuyên phải đi lại vào buổi đêm”.
“Cơ quan chức năng vào cuộc cũng là điều mà những người đi chợ như tôi mong mỏi bấy lâu, nhưng liệu rằng tình trạng vi phạm từ sự vô ý thức của các lái xe này có thuyên giảm hay không? Sự vào cuộc của cơ quan chức năng là rất quan trọng nhưng cái quan trọng nhất là ý thức của lái xe. Nếu trước khi ra đường, hàng hoá được gia cố, bốc dỡ hàng đúng điểm và có ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, thì những người đi chợ đêm như chúng tôi sẽ an tâm hơn”, chị Hương tiếp lời.
Anh Hoàng Ngọc Biên (49 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Nếu các tuyến đường bộ đều xử lý nghiêm túc các xe vi phạm thì chẳng nhà xe nào dám cố ý vi phạm, nhà xe cũng chẳng có cơ hội vi phạm. Đây chỉ là trường hợp điển hình, so với thực trạng vi phạm giao thông hiện nay chẳng khác nào “muối bỏ biển”. Song cũng phải nhìn nhận thực tế là nhiều người nhận thức về tham gia giao thông rất kém. Đến khi có xe cấp cứu, xe cứu hoả làm nhiệm vụ, chúng ta mới thấy được sự cần thiết của ý thức người tham gia giao thông. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà trước thực trạng người tham gia giao thông có ý thức kém như hiện nay, đa số người dân mong muốn cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa, cho chừa những hành động vô ý thức này”.
Còn bà Hoàng Thị Lan (ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Cần phải răn đe luôn, chứ chờ vào ý thức của họ thay đổi thì tôi thấy không có hy vọng”.
Điều 20 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông: Tại khoản 2 ghi rõ: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ; b) Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; c) Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường”. Ngoài ra tại khoản 6 cũng quy định người vi phạm phải có biện pháp khắc phục hậu quả, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.