Markus Hess khi bị bắt. Ảnh:Alchetron. |
Vào thập niên 1980, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), cơ quan tình báo hàng đầu của Liên Xô, muốn thu thập tài liệu tuyệt mật của quân đội Mỹ thông qua hệ thống mạng ARPANET và MILNET. Họ tuyển mộ thanh niên người Đức có tên Markus Hess, người sau này trở thành một trong những tin tặc nổi tiếng nhất của tình báo Liên Xô, theo Listverse.
Quá trình KGB tiếp cận và tuyển mộ Hess không được tiết lộ, lực lượng phản gián phương Tây chỉ biết thanh niên này tiến hành hoạt động đánh cắp dữ liệu từ đại học Bremen tại Tây Đức. Hess đã xâm nhập tổng cộng 400 máy tính quân đội Mỹ, trong đó có nhiều hệ thống tại Đức và Nhật Bản. Tin tặc người Đức còn đoán được mật khẩu quản lý cơ sở dữ liệu Optimis của Lầu Năm Góc, cho phép truy cập số lượng tài liệu mật khổng lồ của lục quân Mỹ.
KGB được cho là đã trả hàng chục nghìn USD để mua dữ liệu từ Hess, đồng thời đề ra mục tiêu cho tin tặc này tấn công. Hoạt động thu thập dữ liệu tinh vi của Hess chỉ bị phát hiện bởi một lỗi kế toán rất nhỏ trong phòng nghiên cứu máy tính ở bang California, Mỹ vào năm 1986.
Nhà quản trị mạng Clifford Stoll phát hiện chênh lệch 75 xu (0,75 USD) trong số tiền sử dụng máy tính tại Phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley (LBL), nơi tiến hành nhiều thí nghiệm cho Bộ Năng lượng Mỹ.
Khi điều tra để truy ra nguồn gốc số tiền chênh lệch, Stoll nhận ra rằng có một người dùng giấu mặt đã truy cập máy tính của LBL trong 9 giây mà không trả tiền. Stoll nhận thấy người dùng này là một tin tặc có trình độ rất cao, đã chiếm được quyền quản trị hệ thống bằng cách khai thác lỗ hổng bảo mật của LBL.
Nhà quản trị người Mỹ dành ra 10 tháng để tìm ra tung tích tin tặc bí ẩn. Ông gặp may khi Hess tìm cách đột nhập máy tính của một tập đoàn quốc phòng ở bang Virginia. Stoll ghi lại mọi hoạt động của đối phương, nhận ra người này có quyền truy cập mạng máy tính tại nhiều căn cứ quân sự khắp nước Mỹ, thường xuyên tìm kiếm dữ liệu tác chiến tuyệt mật và công nghệ vũ khí hạt nhân.
Clifford Stoll, người phát hiện ra hoạt động của Hess. Ảnh:News Week. |
Stoll lập tức liên hệ với Lầu Năm Góc, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cục điều tra liên bang (FBI). Lực lượng phản gián Mỹ phát hiện tin tặc đối phương đang hoạt động ở một trường đại học Tây Đức, nhưng không có địa chỉ cụ thể.
Stoll và phản gián Mỹ xây dựng kế hoạch để dụ tin tặc lộ diện, bằng cách thành lập một phòng ban giả thuộc LBL và tung tin cho biết cơ quan này đang hợp tác chặt chẽ với quân đội Mỹ. Khi Hess sập bẫy và cố truy cập dữ liệu của cơ quan giả này, tình báo Mỹ tìm được chính xác địa chỉ nhà riêng của anh ta ở thành phố Hannover.
Vào thời điểm đó, hình thức tấn công của Hess vẫn còn rất mới mẻ, gây nhiều khó khăn cho quá trình hợp tác giữa FBI và chính phủ Tây Đức. Cuối cùng, cảnh sát Hannover đã tiến hành cuộc đột kích và bắt tin tặc người Đức này. Hess phải ra tòa vào năm 1990 và bị kết tội gián điệp, nhưng chỉ phải nhận án tù treo 20 tháng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.