Singapore tách khu đậu xe với chung cư để giảm cháy nổ

Xã hội 25/03/2018 10:12

Nhờ Chính phủ để ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế các vụ hỏa hoạn, số vụ cháy nổ ở Singapore năm ngoái đã giảm kỷ lục.

 

img20180324114932-152188268834173267146
Một khu chung cư ở Singapore có khu vực để ô tô (4 tầng bên phải) cách biệt với tòa nhà có người ở (30 tầng bên trái) nhằm giảm thiểu khả năng cháy nổ từ các xe cơ giới - Ảnh: LÊ NAM

Năm ngoái quốc đảo này đã xảy ra 3.871 vụ cháy, trong đó 68,6% số vụ xảy ra trong khu vực dân cư.

Đây là con số thấp kỷ lục trong 40 năm qua, giảm đến 5,9% so với tổng số vụ trong năm 2016.

Thiết bị báo khói, vật liệu chống cháy

Singapore quy định các căn hộ xây mới từ tháng 6-2018 kể cả các nhà ở trong chung cư HDB (chung cư do nhà nước xây dựng bán lại cho đại đa số người dân) đều phải gắn ít nhất một thiết bị báo khói.

Chi phí lắp đặt chừng 100-120 SGD/thiết bị (từ 1,7 triệu đến hơn 2 triệu đồng) sẽ do chủ hộ đầu tư. Chính phủ hỗ trợ lắp đặt miễn phí cho khoảng 50.000 hộ có ít nhất một người già trên 60 tuổi.

Các căn hộ cũ nếu sửa chữa, nâng cấp có liên quan đến an toàn cháy cũng phải lắp đặt thiết bị báo khói, báo cháy.

Thống kê của chính phủ cho thấy có khoảng 2/3 trong số các vụ cháy xuất phát từ hộ gia đình. Phần lớn các tai nạn chết người đều do hít phải khói độc trong lúc ngủ nên thiết bị này sẽ báo động khi có khói để mọi người có thể dập tắt hoặc tìm cách chạy thoát an toàn.

Về mặt quản lý, lực lượng phòng vệ dân sự Singapore (SCDF) kiểm soát tiêu chuẩn an toàn cháy cho vật liệu xây dựng và vật liệu che phủ bên ngoài ở các tòa nhà. Toàn bộ vật liệu che phủ bên ngoài tòa nhà đều phải là vật dụng chống cháy.

img20180324155349-15218826883381850277818
Toàn bộ vật liệu che phủ bên ngoài tòa nhà phải chống cháy hoàn toàn - Ảnh: Lê Nam

Chỉ có các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng được cấp phép hành nghề mới được vẽ thiết kế và các thiết kế tòa nhà này phải được SCDF đồng ý, chấp thuận mới được xây dựng.

Tất nhiên sau khi xây dựng xong, các chung cư phải qua kiểm tra an toàn gắt gao rồi cư dân mới được vào ở.

Tháng 5-2017, sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu căn hộ ở số 30 đường Toh Guan làm chết một phụ nữ 50 tuổi, SCDF đã phát hiện có 34 khu nhà sử dụng vật liệu, đặc biệt là các vật liệu che phủ bên ngoài không chống cháy theo quy định.

Các khu nhà này được thông báo phải thay đổi toàn bộ vật liệu không phù hợp từ mặt đất lên đến đỉnh tòa nhà trong vòng 60 ngày không thì bị phạt nặng.           

Tăng cường huấn luyện

img20180324114754-1521888680043844647001
Một khu chung cư ở Singapore có khu vực để ô tô (4 tầng bên phải) cách biệt với tòa nhà có người ở (30 tầng bên trái) nhằm giảm thiểu khả năng cháy nổ từ các xe cơ giới - Ảnh: Lê Nam

Nhiều khu HDB và khu căn hộ cao cấp xây dựng khu nhà để xe ô tô riêng hẳn ra với khu nhà của dân cư để giảm thiểu khả năng cháy nổ từ các xe cơ giới.

Phản ứng không đúng trong các vụ hỏa hoạn, mất bình tĩnh, hoảng loạn cũng dễ dẫn đến những thiệt hại không đáng có.

Chính vì vậy, những khóa học "An toàn cháy nổ trong tòa nhà", "Quản lý an toàn cháy nổ" hay "Phản ứng với tại nạn cháy ở nơi làm việc"… thường được các cơ quan chính phủ tổ chức để giúp người dân nâng cao kiến thức và thực hành các kỹ năng an toàn, để có thể áp dụng ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại khi cháy nổ xảy ra.

Mỗi căn hộ đều được thiết kế một khu vực an toàn với cửa, tường, nền… sao cho mọi người có thể trú ẩn và cách ly an toàn với lửa trong trường hợp cháy lan. 

Các chung cư phải có cầu thang thoát hiểm với thiết kế thông gió và chống lửa thâm nhập. Đặc biệt không được khóa, chặn cửa ở lối thoái hiểm. Hành lang chung phải luôn thông thoáng, khu vực cứu hỏa, vòi cứu hỏa phải sạch sẽ và thoáng đãng.

 Các tòa nhà kính cao tầng đều phải có dán hình tam giác màu đỏ bên ngoài, dấu hiệu "chỉ điểm" để lính cứu hỏa vươn xe thang lên đập kính, cứu người. 

Thường đó là điểm cuối của một hành lang hoặc thông ra từ một phòng rộng, có nhiều khoảng trống nhìn xuống bên dưới cũng có nhiều khoảng không hoặc đường xe đi.

Ở các tầng khu căn hộ HBD chỉ có một lối thoát hiểm vì số lượng căn hộ trên mỗi tầng ít, nhưng phải được thiết kế các họng và ống nước cứu hỏa.

Mới đây Singapore cũng đưa ra quy định buộc các tòa nhà xây dựng từ trước 1974 phải nâng cấp các thiết bị chống cháy nhằm đảm bảo các quy định về an toàn cháy nổ ở Singapore.

Cửa chống cháy: quan trọng nhưng vẫn bị coi thường

Trong nội dung hướng dẫn an toàn PCCC cho các tòa nhà chung cư của Liên minh các hiệp hội PCCC châu Âu (CFPA Europe), tầng hầm và garage được yêu cầu ngăn cách với cầu thang bộ dẫn lên các tầng trên bằng cửa chống cháy.

Trên website của trường đại học Bournemouth University (BU) ở Anh cũng có hẳn một nội dung giải thích vì sao phải luôn đóng các cửa chống cháy.

"Cửa chống cháy được lắp đặt vì mục đích an toàn và là một phần quan trọng trong kế hoạch an toàn phòng cháy chữa cháy cho tất cả các tòa nhà của BU.

Trong trường hợp có hoả hoạn, chúng ngăn chặn lửa và khói lan toả vào hành lang và cầu thang - miễn là khi đó chúng ở trạng thái đóng kín. Khi cửa chống cháy bị chèn hay mở ra, nếu có hỏa hoạn sẽ gây nguy hiểm cho những người trong tòa nhà", trường Bournemouth cảnh báo.

"Để mở cửa chống cháy bằng cách chèn các vật dụng là hành vi xem thường sự an toàn của những người khác và cũng là hành vi phạm pháp", trường Bournemouth nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tình trạng để cửa mở bằng cách chèn các vật dụng vật diễn ra ở nhiều nơi.

Năm 2014, công ty Fireco có trụ sở ở Anh chuyên sản xuất các thiết bị giúp cửa báo cháy tự động đóng lại khi phát hiện có khói đã từng phải phát động chiến dịch có tên Wedge Pledge để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc để mờ cửa chống cháy.

Chiến dịch này nhận được rất nhiều phản hồi về các trường hợp chèn cửa chống cháy ở các tòa nhà mua sắm, phòng tập gym, nhà hàng, tòa nhà văn phòng và chung cư.

Những vật dụng mà người ta thường sử dụng để chèn cửa chống cháy là gạch đá, ghế, và éo le thay, là có cả bình chữa cháy.

Fireco còn phát hiện ra rất nhiều sinh viên nói xấu cửa chống cháy trên Twitter, than rằng loại cửa đó gây ra quá nhiều phiền hà cho họ, vì quá nặng, khó mở khi ra vào, có khi còn bị dập tay.

Thậm chí có người còn cất công "sửa" cửa chống cháy bằng keo siêu dính và kẹo singum để khỏi phải mất công mở.

Theo Fireco, cửa chống cháy có thể được lắp đặt thiết bị đặc biệt để giữ cửa mở với điều kiện phải được đóng lại khi chuông báo cháy vang lên.

Ngoài ra, các cửa chống cháy cần phải được dán bảng thông báo với các nội dung ghi rõ "Cửa chống cháy, vui lòng luôn đóng lại".

Ý kiến của bạn

Bình luận