Singapore thoát cảnh thiếu nước

Ứng dụng 17/06/2016 05:27

Với Singapore, “điều mà trước đây giữ vai trò sống còn đối với sự sinh tồn nay đã trở thành một lợi thế”...

00-53c49 (1)

Nguồn nước từ Malaysia đáp ứng hơn một nửa nhu cầu nước ngọt hàng ngày của Singapore, dao động từ 400-420 triệu gallon.

Singapore đã tự túc được nước ngọt và đang phát triển năng lực nhằm đáp ứng đủ nhu cầu, được dự báo sẽ tăng gấp đôi tại đảo quốc này trong vòng 45 năm nữa, Bloomberg dẫn lời một bộ trưởng của Singapore cho biết.

Singapore vốn có một hợp đồng mua nước ngọt từ Malaysia. Nguồn nước từ Malaysia đáp ứng hơn một nửa nhu cầu nước ngọt hàng ngày của Singapore, dao động từ 400-420 triệu gallon.

Tuy nhiên, theo ông Masagos Zulkifli, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore, nước này hiện đã tự đáp ứng được nhu cầu nước ngọt của mình, ngay cả khi thời tiết khô hanh làm nguồn nước ngọt của Malaysia suy giảm.

Các trạm tích nước được mở rộng, việc tái chế nước và khử muối trong nước biển đã giúp Singapore vượt qua được sự suy giảm nguồn nước do Malaysia cung cấp - ông Masagos cho biết

Vị Bộ trưởng này cũng nói rằng Singapore cần xây thêm các trạm tích nước, bể chứa và nhà máy xử lý nước để có thể đáp ứng nhu cầu dự báo 800 triệu gallon nước mỗi ngày vào năm 2061 - thời điểm mà hợp đồng mua 250 triệu gallon nước mỗi ngày từ Malaysia kết thúc.

“Chúng tôi có đủ khả năng để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn nước từ Malaysia. Đó là lý do vì sao các bể chứa nước của chúng tôi luôn đầy. Chúng tôi đã thoát khỏi cảnh thiếu nước”, ông Masagos nói.

Theo dự kiến, đến cuối năm nay, Singapore sẽ hoàn thành việc xây dựng nhà máy NEWater thứ 5. Đây là nhà máy xử lý nước đã qua sử dụng.

Ngoài ra, Singapore còn đang xây dựng nhà máy khử muối trong nước biển thứ ba, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Đến cuối năm 2019, nước này sẽ có nhà máy khử muối trong nước biển thứ tư, và việc xây dựng nhà máy thứ  đang được xem xét.

Tuy vậy, Singapore vẫn có dự định duy trì sử dụng nguồn cung cấp nước từ Malaysia theo thỏa thuận ký giữa hai nước từ năm 1962. Đó là do mua nước từ Malaysia rẻ hơn so với khử muối trong nước biển hoặc tái chế nước, ông Masagos cho biết.

Các nhà máy khử muối trong nước mặn của Singapore đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu nước của đảo quốc, nhưng chi phí vận hành các nhà máy này vẫn khá đắt đỏ.

Nhu cầu có được những công nghệ tốt hơn về nước đã thúc đẩy sự sáng tạo của Singapore, quốc gia có khỏng 180 công ty nước và 26 trung tâm nghiên cứu tư nhân. Ông Masagos cho biết nhiều trong số những công ty và trung tâm nghiên cứu này hiện đang làm các hệ thống thử nghiệm để giảm một nửa hoặc nhiều hơn mức năng lượng mà các nhà máy khử muối trong nước tiêu thụ.

“Điều mà trước đây giữ vai trò sống còn đối với sự sinh tồn nay đã trở thành một lợi thế, vì chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều”, ông Masagos nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận