Sinh viên Vũ Huy Cảng. Ảnh: Nguyễn Khánh |
Mất số tiền đó, biết đâu anh ấy vướng vào vòng lao lý
Tối muộn 23-10, phóng viên Tuổi Trẻ Online tìm đến nơi sinh viên Vũ Huy Cảng thuê phòng ở tại khu trọ phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Dù tối muộn, bà chủ nhà trọ vẫn niềm nở khi biết chúng tôi tìm Cảng.
Trong căn phòng trọ chừng 10m2, Cảng cho biết đó là nơi trọ mới chuyển đến ở được 3 tháng để tiện cho việc đi thực tập.
Trong câu chuyện tìm người khách lạ trả lại tiền, Vũ Huy Cảng luôn miệng nói "chuyện đó cũng không có gì đâu".
Cảng kể, tầm trưa 20-10, khi đang chạy xe ôm grab ở khu Mỹ Đình, lúc qua ngõ Đình Thôn thì có một anh mặc bộ đồ xây dựng vẫy xe. Lúc lên xe, anh ấy chỉ nói chở anh ấy đến gần cầu Vĩnh Tuy, đoạn đường hơn 20km.
Địa điểm chở khách đến là trụ sở ngân hàng Vietcombank ở gần cầu Vĩnh Tuy. Khi đến đây, theo lời Cảng, người thanh niên kêu Cảng chờ khoảng 30 phút.
"Lúc trở ra anh ấy chỉ nói mở cốp xe ra cho anh ấy để nhờ gói đồ. Vì chạy xe trên đường nên em cũng bịt kín mặt, lúc đi cũng có nói chuyện với anh ấy mấy câu, thấy anh ấy hiền lành và dễ mến. Còn lúc về thì chạy thẳng, đến đầu ngõ 180 Trần Duy Hưng-quận Cầu Giấy thì anh ấy xuống, trả tiền xe xong thì anh ấy đi, em cũng đi, tức là cả hai anh em đều quên gói đồ trong cốp xe" - Cảng kể.
Trả xong khách, theo Cảng, lúc đó đã quá giờ trưa nên Cảng về phòng trọ ăn cơm rồi nghỉ ngơi. Đến đầu giờ chiều, chuẩn bị sắp lại đồ trong cốp xe ra đường chở khách tiếp thì mới phát hiện ra túi đồ. "Lúc đó em cũng chẳng biết túi đó đựng cái gì. Đến khi mở ra thì thấy mấy cọc tiền 500.000đ, nhiều lắm, khi đó mới nhớ hình như khách lúc trưa đi có gửi mình túi đồ, nhưng "đen nỗi" là anh đó vẫy xe em nên em không có thông tin hay số điện thoại nào của anh ấy" - Cảng kể tiếp.
Cảng bảo biết số tiền đó rất nhiều, bản thân chưa bao giờ thấy số tiền nhiều đến vậy nên đầu óc rối bời.
"Nói thật số tiền quá lớn, cũng thoáng qua ý nghĩa số tiền đó của mình, nhưng sau đó em nghĩ nếu tiền của anh ấy thì cũng cả tuổi trẻ mới làm ra, nếu không phải tiền của anh ấy thì cũng của nhiều người góp vào. Bây giờ mất là khổ anh ấy, biết đâu còn vướng vào vòng lao lý hay con cái, vợ con khổ cực vì mất số tiền đó. Vậy là em chạy qua khắp mọi nơi để tìm" - Cảng nói.
Điểm đầu tiên Cảng quay trở lại là ngõ 180 Trần Duy Hưng với hi vọng người khách quên tiền cũng đang đi tìm mình, nhưng đến ngõ 180 Trần Duy Hưng hỏi những người quanh đó thì không ai cho biết có người nào tìm mình. "Ở đó em có để lại địa chỉ liên lạc, chỉ nói khách quên đồ chứ không dám nói khách quên tiền, nói quên nhiều tiền sợ không an toàn. Sau đó em lại đi tiếp"-Cảng kể tiếp.
Lòng vòng trên đường Trần Duy Hưng đến quá chiều, Cảng sực nhớ người khách ban trưa có vào ngân hàng ở gần cầu Vĩnh Tuy. "Nghĩ anh ấy vào ngân hàng thì kiểu gì ngân hàng chẳng có thông tin của anh ấy, nhưng lúc chạy xe đến đó thì đã hết giờ làm việc buổi chiều, không gặp được nhân viên ngân hàng nên em đành quay về. Cuối cùng, em quyết định ra công an phường Quang Trung, quận Đống Đa, nơi đó gần chỗ em ở để trình báo. Vì lúc đó cũng tối nên công an cũng không tìm được người quên ngay, phải đến 12g đêm anh ấy mới tới. Em nhận đúng mặt mũi rồi mới giao tiền, anh ấy đếm đủ 320 triệu, làm xác nhận cùng công an xong thì đã hơn 1g sáng 21-10, lúc đó anh em chỉ nói chuyện tí chút, anh ấy cám ơn mới biết anh ấy tên Thắng. Số tiền đó anh ấy đi lấy để về thanh toán tiền công thợ, sau đó có hẹn nhau sớm gặp lại" - Cảng chia sẻ.
Chạy grab để bớt xin tiền bố mẹ
Vũ Huy Cảng cho biết năm nay 22 tuổi, thi đỗ vào trường Đại học Điện lực năm 2013, thời gian học 5 năm, đến 2018 mới ra trường.
Cảng quê ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nhà có 4 anh em trai, bố mẹ làm nông nghiệp, khi hết vụ lại đi làm thêm xây dựng. "Trong bốn anh em thì có anh cả đã lập gia đình, anh thứ hai đã đi làm rồi, còn em út mới học lớp 5. Hiện nay em đang đi thực tập và đang làm đồ án, vì có lúc rảnh nên cũng đăng ký chạy grap được 3 tháng rồi. Chạy xe như vậy cũng đỡ được tiền lo làm đồ án, lo cho việc đi thực tập và cũng đỡ phải xin bố mẹ" - Cảng tâm sự.
Theo Cảng, sau khi trả xong tiền, các bạn trong lớp cũng đã biết, các thầy cô cũng đã biết và cũng có nhiều người khen đã chọn cách làm đúng.
"Trả xong tiền cho đúng người quên, người đầu tiên em gọi báo tin là bố. Cũng nói hết toàn bộ câu chuyện với bố, bố có bảo con trả tiền cho người mất là quyết định đúng đắn. Còn làm như vậy là vinh dự cho dòng họ mình, ông bà mình" - Cảng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Biên, chủ khu trọ, Cảng mới chuyển đến thuê được 3 tháng nhưng là một thanh niên hiền lành, dễ gần trong xóm. "Tôi có biết cháu là sinh viên, thấy cháu chạy thêm xe ôm kiếm thêm đã thấy thương rồi. Hôm cháu nói có khách quên nhiều tiền lắm, tôi cũng nói cháu cứ ra công an trình báo. Cháu nó đã có một quyết định để đời, ít ra cậu ấy cũng là một thanh niên còn biết nghĩ đến những giá trị sống tốt đẹp, biết nghĩ đến cái khốn khó của người quên tiền nếu mất, và cậu ấy không để đồng tiền che lấn át cái khó của bản thân" - bà Biên chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.