Sinh viên chế tạo máy bay phun thuốc trừ sâu, xà phòng từ vỏ trấu

Sản phẩm 08/06/2016 06:10

Sinh viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chế tạo ra những sản phẩm ứng dụng thực tế cao: Xà phòng đen và máy bay phun thuốc trừ sâu.

 

sinh-vien-che-tao-may-bay-phun-thuoc-tru-sau-xa-ph

Máy bay Fanwing ứng dụng phun thuốc trừ sâu. Ảnh: NVCC

 Tận dụng vỏ trấu làm xà phòng

Luôn ấp ủ ý tưởng làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống con người mà không độc hại, nhóm 6 bạn Nguyễn Thị Diệu Huyền, Lê Thiêm Tuấn, Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Mậu Thạch, Lê Thị Hằng, Trần Đức Hiệp thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã mày mò để tạo ra sản phẩm xà phòng đen từ vỏ trấu và các chất nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường.

Nhóm sinh viên cho biết, xà phòng là một trong những sản phẩm thiết yếu trong đời sống hằng ngày, nhưng với những loại xà phòng công nghiệp thường được sử dụng các chất tẩy trắng làm sạch, có thể gây kích ứng da. Nhận thấy điều đó, nhóm đã lên kế hoạch làm ra những bánh xà phòng đen vừa hiệu quả vừa thân thiện với môi trường, không độc hại.

Bạn Nguyễn Thị Diệu Huyền, một thành viên chia sẻ: “Xà phòng đen của bọn mình được tạo ra bởi than hoạt tính tách ra từ vỏ trấu, thực hiện phản ứng xà phòng hóa các loại chất béo, kết hợp chất phụ gia để cho ra đời những bánh xà phòng đen với mẫu mã và chất lượng không hề thua kém trên thị trường. Ngoài ra, bọn mình tận dụng nước thủy tinh - một sản phẩm phụ của quá trình chế tạo than hoạt tính, vừa giúp xà phòng có tính chất tốt vừa giúp tận dụng phế thải tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường”.

Không chỉ vậy, sản phẩm xà phòng đặc biệt sử dụng các chất phụ gia hoàn toàn lành tính như tinh bột nghệ, bột trà xanh, chiết xuất tía tô, tinh dầu bạc hà, không sử dụng chất tạo bọt, chất tạo độ cứng, chất bảo quản, có khả năng dưỡng ẩm và chống lão hóa da khá tốt.

Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Hiền kể lại rằng, nhóm bạn gồm các bạn sinh viên năm 2,3,4 nên việc học khá vất vả. Nguồn kinh phí cũng không có nhiều, chủ yếu là tự đóng góp và sự hỗ trợ từ thầy hướng dẫn PGS.TS Nguyễn Văn Tư, Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội. “Thiết bị của bọn mình chủ yếu sử dụng của những anh chị khóa trước, nên thường xuyên hỏng hóc. Có khi đang khuấy xà phòng thì máy ngừng, ống dẫn khí bị hở… Mỗi lần như vậy, bọn mình phải vừa nghiên cứu, vừa sửa máy để có thể tạo ra những mẻ xà phòng tốt nhất”. Huyền kể lại.

Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội giành giải cao trong Hội thi nghiên cứu khoa học với sản phẩm xà phòng đen. Ảnh: NVCC

Sản phẩm xà phòng đen từ vỏ trấu đã giành giải nhì trong cuộc thi Bình chọn đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên 2016 do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức. Nhóm bạn trẻ dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện mẫu mã, bao bì để đưa ra thị trường. Đây cũng là sản phẩm được nhiều lượt bình chọn, đánh giá về tính ứng dụng thực tiễn, bảo vệ môi trường khi tận dụng nguyên liệu phế thải nông nghiệp, mở ra hướng kinh doanh mới cho nông dân.

Chàng sinh viên làm máy bay phun thuốc trừ sâu

Chiếc máy bay Fanwing phun thuốc trừ sâu của bạn Cao Xuân Quân, Lớp Kỹ thuật Hàng Không K57, ĐH BKHN cũng là một trong những sản phẩm được đánh giá cao trong Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên.

Chiếc máy hướng đến tìm kiếm giải pháp phun thuốc trừ sâu an toàn, nhanh, tiết kiệm và hiệu quả nhất, phục vụ ngành sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Máy bay Fanwing được thiết kế có lồng quạt tại mép vào của cánh, các lá cánh đẩy không khí từ phía trước ra phía sau, qua lưng cánh và tạo lực nâng và lực đẩy. Dựa theo nhu cầu, mật độ từng loại cây trồng, diện tích đồng ruộng, hướng gió, nhiệt độ... chiếc máy sẽ đưa ra quỹ đạo bay cùng lưu lượng phun phù hợp.

Ưu điểm của chiếc máy bay này khả năng cất cánh, hạ cánh trên đường băng ngắn, độ cao lớn, thậm chí hoạt động ở những vùng núi cao, nơi ít loại máy có thể đến được.

Để làm ra sản phẩm, Quân chia sẻ rằng, cậu đã phải khảo sát địa hình đồng ruộng, tham khảo ý kiến người dân về lượng thuốc trừ sâu phù hợp. “Do Fanwing là mẫu máy bay mới, nên tài liệu sách vở hoàn toàn không có, tài liệu mềm cũng rất ít, mình đã gặp khá nhiều khó khăn trong tính toán, thiết kế. Mình đã được các thầy cô giảng viên hướng dẫn để khắc phục các lỗi trong quá trình thực hiện” - Quân cho biết.

Vật liệu chế tạo cũng được cậu sinh viên xin từ các xưởng nhỏ như ống nhựa, tôn lợp lấy sáng, xốp, gỗ dán, nhôm thanh... Không chỉ được sử dụng để phun thuốc trừ sâu, máy bay Fanwing còn có thể quay phim trên cao hoặc dung để đo đạc trong ngành môi trường.

Sắp tới, Quân dự định tiếp tục cải tiến chiếc máy bay, từ mô hình nhỏ thực nghiệm đến chiếc máy bay kích thước thực tế, ứng dụng trực tiếp trong đời sống.

Tháng sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo là hội nghị thường niên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhằm giới thiệu những sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên trong trường và tạo diễn đàn giao lưu học hỏi giữa các nhà sáng tạo trẻ. Qua đó, việc tham gia sáng tạo các sản phẩm công nghệ phục vụ đời sống cũng giúp sinh viên hình thành tư duy và phương pháp làm việc khoa học, thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”.

Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của hơn 900 sinh viên với 415 công trình, sản phẩm khoa học.

Ý kiến của bạn

Bình luận