Cuộc thi thu hút nhiều sinh viên đam mê với lập trình. |
Chung kết cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon dành cho sinh viên FPT diễn ra tại Campus Hòa Lạc trong hai ngày 9 và 10/6. 14 đội thuộc FPT Edu là sinh viên các trường Đại học FPT, Cao đẳng FPT Polytechnic, Viện đào tạo quốc tế FPT, Đại học trực tuyến FUNiX.
FPT Edu Hackathon được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Cuộc thi thử thách các thí sinh phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, sự sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng. Sản phẩm cuối cùng mà đội thi hoàn thành chính là những ứng dụng được thực hiện trong 27 giờ lập trình không nghỉ.
Lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cuộc thi đòi hỏi các đội tham gia phát triển ý tưởng nhằm tạo ra những ứng dụng sử dụng mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT). Các dự án lọt vào vòng chung kết đều gây ấn tượng về ý tưởng và có tính ứng dụng cao như: ứng dụng đặt phòng và khóa cửa thông minh cho hệ thống khách sạn (đội VTeam); ứng dụng nhà thông minh với chi phí thấp (đội SHS), áp dụng IoT cho nhà trồng nấm (đội Olaf), ứng dụng theo dõi chỉ số sinh tồn từ xa (đội Bộ tứ Codefight)...
Vượt qua 3 vòng lọc ý tưởng, codefight và sơ loại, hai đội thi từ Đại học trực tuyến FUNiX là Olaf và Bộ tứ Codefight góp mặt trong danh sách 14 đội tại vòng chung kết.
Với phương pháp học hoàn toàn trực tuyến, hai ngày thi chung kết FPT Edu Hackathon cũng chính là dịp thành viên các đội gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên.
Xuất phát từ chính công việc thường ngày của mình, đội trưởng Bộ tứ Codefight Vũ Đăng Nhân - cán bộ y tế huyện Văn Bản tỉnh Lào Cai đưa ra ý tưởng tạo "Ứng dụng theo dõi và quản lý các chỉ số sinh tồn từ xa".
Nhân chia sẻ: "Từ những lần quan sát thực tế tại các bệnh viên, tôi thấy rất nhiều máy monitor - máy đo các chỉ số sinh tồn của con người, có cổng kết nối COM với máy tính, nhưng ít được dùng tới do hệ thống dây phức tạp, vướng víu. Điều này gây ra sự lãng phí vì máy móc chưa phát huy được hết công dụng của nó để phục vụ cho con người".
Để thực tế hoá ý tưởng của Nhân, Bộ tứ Codefight lắp đặt thêm một thiết bị kích cỡ nhỏ như chiếc điện thoại phía sau máy monitor cho phép gửi thông tin dữ liệu từ đó sang máy chủ qua kết nối không dây. "Chi phí để nâng cấp những máy Monitor này chỉ từ vài trăm nghìn một máy", Đăng Nhân cho biết.
Một đại diện sinh viên trực tuyến khác là Nguyễn Vũ Minh Nguyên (KonTum) - đội trưởng Olaf cho biết, ý tưởng dự thi FPT Edu Hackathon bắt đầu từ kinh nghiệm về nông nghiệp nói chung và trồng nấm nói riêng qua những lần quan sát vườn nấm tại nơi sinh sống.
Theo đó, bạn sử dụng những máy tính nhỏ kết hợp với các cảm biến như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng… Sản phẩm IoT cho nhà trồng nấm giúp người dùng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng môi trường và đưa ra những giải pháp hữu hiệu như thiết lập thời gian tưới, thời gian chiếu sáng thông qua smartphone.
Với công nghệ IoT, mô hình sẽ khắc phục được các nhược điểm của cách trồng nấm thủ công như tiết kiệm năng lượng, cho năng suất cao hơn, có thể thu hoạch quanh năm, giảm nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất… và có thể áp dụng trong quy mô gia đình hoặc quy mô lớn.
Do học trực tuyến, thời gian làm việc của các thành viên khá lệch nhau, suốt thời gian thi, để gắn kết và hỗ trợ cho nhau không hề đơn giản. Đăng Nhân cho biết: "Phần đầu buổi thi codefight, nhóm chỉ có duy nhất một thành viên online. Một bạn có việc gia đình gấp, một bạn không online được do thời tiết xấu, bản thân mình đang online thì có bệnh nhân. Sau 30 phút đầu, các thành viên mới có mặt đông đủ, sẵn sàng tiếp ứng cho bạn thi Codefight chính".
Olaf và Bộ tứ Codefight cũng là 2 đội duy nhất thuyết trình online tại vòng sơ loại.
Với kinh nghiệm hơn 10 lần dẫn dắt sinh viên ĐH Phương Đông, FPT Jetking tại các cuộc thi lớn như Robocon, Intel Microsoft FPT…, mentor Khuất Đức Anh - một trong hai mentor hướng dẫn các đội FUNiX tại vòng chung kết FPT Edu Hackathon.
"Làm phần cứng cầm tay chỉ việc đã rất khó rồi, lần này mentor chỉ hướng dẫn trên group chat, không thể giúp đỡ để kiểm tra mạch hay lắp ráp thì càng thách thức hơn. Tuy nhiên, sinh viên trực tuyến có khả năng tự học tốt và các bạn rất nỗ lực vì ý thức được điều kiện học online của mình", mentor Đức Anh chia sẻ.
Sau 27 giờ thi lập trình và 4 tiếng thuyết trình, các sinh viên trực tuyến đều thuyết phục được ban tổ chức với các dự án. "Ứng dụng IoT cho nhà trồng nấm" do nhóm Olaf phát triển được đánh giá cao vì ý tưởng độc đáo cho giải pháp nông nghiệp thông minh, giành giải khuyến khích.
Đại diện ban tổ chức cuộc thi cũng cho biết, các ý tưởng dự thi sẽ tiếp tục được triển khai, hướng tới áp dụng thực tế tại địa phương.
Hành trình của các sinh viên FUNiX tại FPT Edu Hackathon cho thấy, với những kiến thức và kỹ năng được học và sự nỗ lực của bản thân, dù ở bất cứ đâu, bạn hoàn toàn có thể làm nghề và đóng góp những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.