Ông Trần Anh Tuấn thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: Minh Nhật. |
Điều tưởng như phi logic đang diễn ra ở thị trường lao động Việt Nam này được đề cập tại hội thảo khoa học liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, diễn ra chiều 10/1 tại TP.HCM.
Thất bại của thị trường lao động
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết theo thống kê của đơn vị này, khoảng 80% sinh viên tại TP.HCM ra trường mỗi năm có việc làm. Khoảng 60% trong số đó làm đúng ngành nghề được đào tạo.
Theo ông Tuấn, khoảng 20% sinh viên ra trường thất nghiệp là mức hợp lý. Vì mỗi năm khoảng 175.000 nghìn sinh viên đến các trường đại học, trong khi thành phố chỉ có 150.000 việc làm mới. Nghĩa là, một bộ phận cử nhân phải thất nghiệp.
Trái với quan điểm của ông Tuấn, TS Đinh Công Khải, khoa Quản lý Nhà nước, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng sinh viên ra trường thất nghiệp là điều bất bình thường, sự thất bại của thị trường lao động.
"Chúng tôi nghĩ sinh viên ra trường thất nghiệp không bình thường, khi họ là nguồn nhân lực có trình độ mà phải làm trái ngành. Nhiều người còn khai thấp trình độ để làm ở khu công nghiệp. Đây là sự thất bại của thị trường lao động", TS Khải nói.
Tương tự, PGS.TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng quyết định học đại học của mỗi cá nhân về bản chất không chỉ là đầu của riêng sinh viên và gia đình, mà còn là sự đầu tư của xã hội.
"Sinh viên học ở các trường công hay tư đều nhận được tài trợ nhiều hay ít từ Nhà nước và các tổ chức trong xã hội. Một trong những dấu hiệu cho thấy sự đầu tư học đại học không thành công là sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, nghĩa là xã hội đầu tư thất bại", ông Thi nêu quan điểm.
Đào tạo không gắn với nhu cầu
Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, con số thống kê trong quý II năm 2018 cho thấy 126.900 người có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 2,47%, giảm so với quý I/2018. Số người thất nghiệp giảm là tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn ở mức đáng báo động. Ngoài hơn 100.000 cử nhân thất nghiệp, vẫn còn 70.800 người trình độ cao đẳng cũng chưa có việc làm (theo thống kê của Molisa, 2018).
Mặc dù tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Nó cho thấy sự mất cân đối rất lớn giữa cung và cầu trong thị trường.
Thông tin mới nhất cho hay 41% doanh nghiệp không đủ tuyển dụng được lao động có trình độ tay nghề cao. Trong khi đó, trong vòng 3 tháng đầu năm 2018, số lượng tìm kiếm công việc mới tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Phong, tỷ lệ thất nghiệp cao ở sinh viên tốt nghiệp đại học đã chỉ ra sự bất cân bằng giữa kỹ năng làm việc của các bạn trẻ với yêu cầu phía doanh nghiệp.
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM và nhiều chuyên gia khác đề nghị khi các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo, cần tham khảo ý kiến của doanh nghiệp. Các trường cần liên kết doanh nghiêp nhiều hơn, tổ chức học kỳ tại doanh nghiệp, các đợt thực tập….
Mặt khác, sinh viên cũng phải chủ động cộng tác, làm bán thời gian, nộp hồ sơ đi xin thực tập tại các công ty ngay từ khi còn đi học để giải quyết yêu cầu về kinh nghiệm của nhà tuyển dụng.
Chủ tịch UBND TP.HCM trăn trở vì sinh viên ra trường thất nghiệp Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp, còn nhiều thách thức. Theo ông Phong, một trong những tồn tại, hạn chế chủ yếu của tình trạng thất nghiệp hiện nay là chưa có thị trường lao động hoàn chỉnh. Sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Thêm vào đó, khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo tại nhà trường và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn là một thực tế cần quan tâm… "Vừa qua, một tờ báo quốc tế đăng bài viết về tình trạng sinh viên nước ta tốt nghiệp đại học nhưng phải đi làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức, với thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng. Điều này cũng là chính đáng, song nó cho thấy nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt, sau những năm học hành trên giảng đường. Qua đó, chúng ta thấy rằng giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng", Chủ tịch UBND TP.HCM nói. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.