Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần 2 đã được tổ chức tại trường Đại học Bách Khoa – TP. Hồ Chí Minh vào ngày 07/05/2016 với sự tham gia của gần 1000 cá nhân, nhóm sinh viên nghiên cứu, khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn, sinh viên, nhà nghiên cứu khoa học trẻ, nhóm khởi nghiệp đã được trình diễn các sản phẩm nghiên cứu, sáng chế, mô hình kinh doanh của mình, qua đó cho thấy khả năng sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam là vô cùng tiềm năng, vấn đề là cần tạo ra môi trường cởi mở, minh bạch, thân thiện để phát huy điều đó.
Sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi Trường giới thiệu bếp năng lượng mặt trời từ thùng carton. Ảnh: VGP/Ngọc Khuyến |
Diễn đàn có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Minh - Vụ trưởng, trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, Đại điện BGH của các trường đại học, học viện khu vực phía Nam, bao gồm: Đại học quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học FPT, Đại học Hoa Sen, Đại học Kiến trúc, Đại học Nông Lâm, Đại học Tài nguyên – Môi trường, Đại học Y Dược, Học viện Bưu chính viễn thông và gần 1000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp.
Các nhóm tham gia Diễn đàn rất phong phú về độ tuổi, ngành nghề, có những bạn khởi nghiệp ở độ tuổi 14, rất đam mê và tự tin khi nói về sản phẩm của mình; có những cá nhân đã qua độ tuổi 40, từ bỏ công việc ổn định với mức lương hàng trăm triệu một tháng để nghiên cứu và theo đuổi định hướng của mình.
Điều đáng hoan nghênh là sản phẩm của các nhóm sinh viên mang tới Diễn đàn lần này đã tập trung vào giải quyết các vấn đề thực tiễn xã hội về môi trường, y tế, nông nghiệp, giao thông...
Đại học Tài nguyên môi trường trình diễn công nghệ làm bếp từ năng lượng mặt trời, chế tạo phấn viết bảng từ vỏ trứng gà. Năng lượng mặt trời cũng là công nghệ được ĐH Hoa Sen và ĐH Công nghiệp sử dụng để chế tạo thùng rác thông minh tự động báo đầy, lên lịch trình thu gom và xe đạp điện có thể chạy tới 50 km khi gắn 2 đồng bộ hoá 2 tấm pin ở phía trên. Chính bản thân sinh viên đã sử dụng các sản phẩm này vào đời sống hàng ngày của mình, tuy nhiên việc thương mại hoá và áp dụng rộng rãi vẫn là bài toán khó khăn khi sinh viên đang chỉ tư duy ở mức độ nghiên cứu.
Học viện Bưu chính Viễn thông trình diễn mô hình nhà thông mình điều khiển từ xa. Đây là xu hướng tiềm năng mà cộng đồng khoa học và khởi nghiệp ở Việt Nam nên chú ý khai thác trong thời gian tới. Phát triển các thiết bị thông minh ứng dụng trong các công cụ của con người để đơn giản hoá các nhu cầu hàng ngày hứa hẹn là thị trường rất rộng mở.
Về giao thông, ĐH Khoa học tự nhiên đã trình diễn phần mềm busmap hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe bus. Nếu các công nghệ này được phát triển rộng rãi kết hợp với đầu tư về cơ sở hạ tầng, sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng theo một lộ trình nhất định, tin rằng sẽ là hướng đi sáng để giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay.
Đông đảo bạn trẻ tham dự chương trình. Ảnh: VGP/Ngọc Khuyến |
Chứng kiến tận mắt phần thể hiện của các bạn sinh viên, nhằm động viên cũng như thể hiện cam kết và nỗ lực trong việc thúc đẩy phong trào nghiên cứu, Văn phòng chuyển giao công nghệ và Đại học Hoa Sen đã ký thoả thuận hợp tác hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm. Đây là căn cứ để hỗ trợ các bạn sinh viên kết nối với các phòng thí nghiệm, xưởng cơ khí, đội ngũ chuyên giao và hệ thống văn phòng đại diện ở nước ngoài để hoàn thiện sản phẩm, kết nối quốc tế, tiến tới thương mại hoá.
Buổi chiều cùng ngày, diễn ra phần trình diễn của các nhóm khởi nghiệp. Điểm khác biệt của họ với các nhóm sinh viên là tư duy thị trường. Các khởi nghiệp ở Việt Nam rất rõ ràng trong mô hình kinh doanh, có những nhóm trong quá trình hoàn thiện cũng có những nhóm đã kêu gọi được vốn đầu tư, ký kết được các hợp đồng lớn để đưa sản phẩm ra thị trường.
Wonav là một dự án khởi nghiệp về số hoá dữ liệu bản đồ. Người sáng lập dự án này đã ở độ tuổi ngoài 40 với triết lý cách tốt nhất để khẳng định mình là phủ định chính mình và tầm nhìn quốc tế khi muốn đưa thế giới thực lên website. Wonav sẽ thu thập các thông tin, hình ảnh về cây cối, biển báo, hệ thống giao thông... và tự động số hoá để xây dựng bản đồ với độ tin cậy cao, nhận biết được trên 90% biển báo giao thông, đo khoảng cách chính xác trong vòng 50m. Sắp tới wonav sẽ tham dự với tư cách diễn giả khác mời tại Hội nghị thượng đỉnh Google Street View tại Hà Lan.
Một nhân vật cũng rất đặc biệt khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp đó là sáng lập viên ShipS. Anh tâm sự rằng khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp đó là thuyết phục gia đình để từ bỏ một công việc tại tập đoàn danh tiếng với mức lương hơn 50 nghìn đô la để về tự mở công ty riêng. Anh cũng chia sẻ về vấn đề quan trọng nhất khi khởi nghiệp là thực sự chú tâm và hoàn toàn tập trung cho sản phẩm, ý tưởng mình đang theo đuổi. ShipS là giải pháp giao nhận hàng hoá cho bất cứ người nào có xe máy, họ có thể trở thành một "shiper" của công ty này.
Tiếp theo đến phần trình diễn của Q&Me là một khởi nghiệp với 100% vốn Nhật Bản nhưng quyết định chinh phục thị trường Việt Nam do nhận thấy tiềm năng ở đây. Q&Me giải quyết vấn đề đơn giản hoá và nâng cao hiệu quả trong việc khảo sát nhu cầu người tiêu dùng.
Một nhân vật xuất hiện mang lại nhiều sự tò mò và khâm phục của cả khán phòng đó là chàng trai 14 tuổi, sáng lập dự án về bán hàng trực tuyến dựa trên ý tưởng có thể cho mượn đồ dùng khi không còn nhu cầu sử dụng.
Thông điệp mà đại diện các nhóm khởi nghiệp muốn truyền đạt tới các bạn trẻ đó là hãy tin vào bản thân, thực sự tập trung và kiên trì với con đường mình đã chọn. Khởi nghiệp có thể từ các ý tưởng về môi trường, sinh học, dược phẩm... không nhất thiết phải từ công nghệ thông tin.
Với gần 30 sản phẩm nghiên cứu, mô hình khởi nghiệp được trình diễn lần này, Diễn đàn KHCN là một dự án nằm trong chuỗi các hoạt động mở đầu của Văn phòng chuyển giao công nghệ nhằm kết nối mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khoa học công nghệ, khởi nghiệp với tinh thần sẵn sàng hợp tác, cùng nhau phát triển. Việc hình thành một Liên minh các tổ chức sẽ tạo nên sức mạnh để thực hiện các hoạt động hỗ trợ quy mô và hiệu quả hơn.
Bên cạnh Diễn đàn, Văn phòng CGCN còn có các dự án hỗ trợ trực tuyến. Tháng 6 tới đây, Văn phòng sẽ ra mắt Ngân hàng thông tin về KHCN, với hơn 15000 chuyên gia, 400 phòng thí nghiệm xưởng cơ khí, 500 trung tâm, viện nghiên cứu, 100 quỹ đầu tư, 1000 doanh nghiệp KHCN và ứng dụng KHCN. Hệ thống này sẽ hỗ trợ kết nối người dùng với các tổ chức trên để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc.
Văn phòng CGCN cũng kết hợp với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí để triển khai các chương trình truyền thông hướng tới khởi nghiệp từ việc cung cấp thông tin chính sách, kiến thức khởi nghiệp, điển hình khởi nghiệp thành công đến xây dựng một chương trình thực tế để khởi nghiệp tiếp cận với các quỹ đầu tư ngay trên truyền hình.
Diễn đàn Khoa học và Công nghệ được khởi xướng và triển khai bởi Văn phòng Chuyển giao công nghệ - BQL Khu CNC Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ. Mục tiêu của Diễn đàn là xây dựng môi trường khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, hướng tới việc thương mại hóa sản phẩm sáng chế, thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp có tư duy toàn cầu hóa. Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần 2 có sự phối hợp tổ chức của Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh và Hội khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE). Trong năm 2016, Diễn đàn sẽ tiếp tục được tổ chức tại Đà Nẵng và Thái Nguyên vào tháng 8 và tháng 11. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.