Lê Minh Tú (K9, Ngành An ninh thông tin, Đại học FPT) cho biết cùng các bạn đến Trung tâm hội nghị quốc gia từ sớm, xếp hàng rất lâu, nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi vì tất cả đều mong chờ, háo hức được gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bản thân Tú thấy sự chờ đợi đó là vô cùng xứng đáng.
"Lúc ngài Obama bước vào khán phòng, em xúc động vỡ òa, lần đầu tiên được gặp vị chính khách thần tượng, không phải qua tivi mà bằng xương bằng thịt", Tú kể.
Điều Tú ấn tượng nhất trong bài nói chuyện của Tổng thống là về mối quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Mỹ đã thực sự khép lại quá khứ chiến tranh để hợp tác tốt đẹp. Qua lời nói của ngài Obama, Việt Nam và Mỹ có nhiều cơ hội hợp tác, tình đoàn kết, hữu nghị bền chặt hơn.
Bài nói chuyện cũng mở ra cho Tú những hiểu biết mới về xã hội Mỹ, nơi tôn trọng và tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển. Điều này nhen nhóm trong em ước mơ du học Mỹ.
"Em tin mình có thể thực hiện được mơ ước đó vì sau một thời gian học tập tại Đại học FPT, em đã có vốn kiến thức, ngoại ngữ và môi trường mở, khuyến khích cá nhân phát triển. Tất cả những điều trên tương đồng với những gì ngài Obama nói về chính sách nước Mỹ dành cho du học sinh hiện nay", Tú chia sẻ.
Sinh viên Việt Nam chăm chú lắng nghe Tổng thống Mỹ Obama phát biểu. |
Còn Trần Khánh (K10, Quản trị kinh doanh, Đại học FPT) cho biết, trước đấy biết tới ngài Obama là Tổng thống một cường quốc hàng đầu thế giới. Mấy ngày nay, khi ngài có chuyến thăm Việt Nam, phương tiện truyền thông đưa tin nhiều hơn, Khánh nhận ra ông còn rất giản dị, gần gũi.
"Ngài bắt đầu bài nói chuyện một cách chân thành, gần gũi. Khi nghe ngài nói Xin chào Việt Nam bằng tiếng Việt, em rất tự hào và xúc động. Ngài nhắc đến những ấn tượng về món ăn, con người, giao thông ở nước mình khiến tất cả mọi người đều cười, cảm thấy mỗi lời nói đều sâu sắc và tinh tế", Khánh nói.
Điều Khánh cảm phục nhất ở ông Obama là sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam khi nhắc nhiều đến các nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, các danh nhân như Nguyễn Du, tướng Võ Nguyên Giáp trong khi thế hệ trẻ như cậu không phải ai cũng làm được điều này.
Đối với sinh viên kinh tế như Khánh, điều cảm thấy vui là hiện nay Việt Nam và Mỹ có quan hệ hợp tác kinh tế tốt. Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong TPP, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam du học Mỹ.
"Bản thân em nghĩ nếu có cơ hội sang Mỹ du học sẽ chọn ngành Quản trị kinh doanh. Ngài Obama nói đến một bác sĩ người Mỹ gốc Việt đã thực hiện được giấc mơ Mỹ, nhưng hiện nay trở về quê hương làm việc. Câu chuyện khiến em xúc động. Em cũng nghĩ sau khi học xong sẽ đem kiến thức và kinh nghiệm thực tế ở Mỹ về giúp ích cho đất nước", Khánh chia sẻ.
Mai Thu Hằng (Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao) thì cảm nhận Tổng thống Mỹ Obama rất thân thiện, giọng nói trầm ấm và đặc biệt là rất am hiểu lịch sử Việt Nam.
"Bài nói của ông khiến em ấn tượng nhất ở thông điệp bình đẳng cho nữ giới. Người Việt Nam chúng ta rất thông minh, cần cù, dù là nam hay nữ. Phụ nữ ngày nay đã được đối xử công bằng, tiến bộ hơn trước kia tuy nhiên còn nhiều lĩnh vực vẫn bị cho là lãnh địa của nam giới như chính trị, quân sự... Em nghĩ rằng phụ nữ hoàn toàn có thể làm tốt nhiệm vụ của mình trong các lĩnh vực ấy. Có lẽ em là nữ nên đặc biệt tâm đắc với chia sẻ này của ông Obama", Hằng nói.
Hằng cũng tiếc nuối khi sinh viên không có cơ hội giao lưu với Tổng thống Mỹ. Nếu có, Hằng rất muốn hỏi ông về cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế đến du học tại Mỹ và xin được chụp ảnh chung với ông.
"Chờ đợi lâu mới được gặp và nghe Tổng thống Mỹ nói chuyện, em thực sự rất phấn khích. Ông là thần tượng của em từ lâu lắm rồi, hôm nay mới có cơ hội được gặp và trực tiếp nghe ông nói", Nguyễn Hoài An (lớp 11 Anh 2, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) hào hứng nói.
Hoài An cho biết đặc biệt thích đoạn Tổng thống nói về sự tự do phát triển cá nhân. Thế hệ trẻ như em thì lại càng mong muốn, khao khát được tự do phát triển năng lực, sở trường, đam mê của mình. "Qua bài nói chuyện, em thấy ông Obama rất mong tạo ra môi trường tự do như vậy để thế hệ trẻ phát triển. Điều này thực sự rất đúng với mong muốn của chúng em", An nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT Lê Trường Tùng thốt lên "bài phát biểu xuất sắc". Không có điều kiện nghe trực tiếp nhưng ông Tùng đã "ôm" tivi và theo dõi từ đầu đến cuối bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.
"Trong bài phát biểu, có đủ cả Lý Thường Kiệt với sông núi nước Nam vua Nam ở, Hồ Chủ tịch trích tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, Thích Nhất Hạnh với muốn đối thoại phải thay đổi, Văn Cao với từ nay ta biết yêu người, rồi Bà Trưng, Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Ngô Bảo Châu, hay Trịnh Công Sơn nối vòng tay lớn, Nguyễn Du rằng trăm năm cũng từ đây... Ông Obama đã làm người nghe thấy thỏa mãn với bài phát biểu không cần giấy tờ nhưng rất thuyết phục và nhân văn", TS Lê Trường Tùng nhận xét.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.