Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tổng hợp về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội |
Theo phân công của đồng chí Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo tổng hợp về các mặt: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, Thanh tra, An ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực Giao thông giai đoạn 2011 - 2015 với nhiều bước chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2006-2010. Cụ thể:
Về công tác xây dựng hạ tầng giao thông: Trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành luôn tích cực nâng cao hiệu quả huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư; thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có sức lan tỏa, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thân thiện với môi trường và sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Ngành giao thông đã hoàn thành trước thời hạn các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Triển khai giai đoạn 1 của Đề án xây dựng cầu dân sinh; đã hoàn thành 187 cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được trên 131 nghìn km đường giao thông nông thôn.
Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Chính phủ và các Bộ, ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung hoàn thiện pháp luật, đổi mới công tác tuyên truyền; tăng cường quản lý phương tiện, đăng kiểm, kinh doanh vận tải; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm; tập trung đầu tư xây dựng, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông hợp lý, xóa điểm đen, hoàn thiện hệ thống biển báo, thiết bị an toàn giao thông; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.
Việc kiểm soát tải trọng phương tiện đạt kết quả khá, lượng xe quá tải giảm. Tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí, số vụ giảm từ 44.500 vụ năm 2011 còn 21.900 vụ năm 2015; số người chết giảm từ 11.400 người còn 8.700 người; số người bị thương giảm từ 48.700 người còn 19.900 người. Số người chết giai đoạn 2011 - 2015 giảm 21% so với giai đoạn 2006 - 2010.
Về công tác tái cơ cấu ngành: Ngành giao thông đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành và các đề án tái cơ cấu chuyên ngành; cơ bản hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải; rà soát, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án với mục tiêu phát triển thị trường, kết nối hài hòa, phát huy thế mạnh của các phương thức vận tải; đẩy mạnh xã hội hóa vận tải, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Nhờ đó, xếp hạng về năng lực, chất lượng hạ tầng giao thông và hoạt động logistics của Việt Nam tăng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực giao thông nước ta vấn còn tồn tại một số hạn chế. Số vụ tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn còn nghiêm trọng; chưa khắc phục tốt tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Công tác quản lý về kinh doanh vận tải và phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; các phương thức vận tải chưa được kết hợp tốt. Chất lượng một số công trình giao thông chưa bảo đảm. Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Do đó, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.