Solar Impulse 2 thực hiện sứ mạng gì khi bay vòng quanh thế giới?

Ứng dụng 06/07/2015 14:53

Sau nhiều lần trì hoãn do thời tiết xấu, chiếc máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 đã hoàn tất chuyến bay kéo dài 5 ngày vượt Thái Bình Dương

3077721_Solar_Impulse_2
 Bertrand Piccard và André Borschberg ăn mừng kỷ lục mới tại Hawaii.

 Không chỉ hoàn tất chặng thứ 8 trong hành trình 13 chặng (ban đầu là 12 chặng) vòng quanh thế giới, Solar Impulse 2 cùng phi công Andre Boschberg đã chính thức phá vỡ kỷ lục về chuyến bay một mình lâu nhất thế giới cũng như xác lập kỷ lục mới với chuyến bay bằng năng lượng mặt trời dài nhất.

Ban đầu Solar Impulse 2 được lên lịch khởi hành từ Nam Kinh, Trung Quốc đến Haiwaii nhưng điều kiện thời tiết xấu đã khiến Borschberg phải hạ cánh tại Nagoya, Nhật Bản và tạm hoãn kế hoạch phá kỷ lục thế giới. Do đó, hành trình từ Nam Kinh đến Nagoya được cắt thành chặng thứ 7 và hành trình từ Nagoya đến Hawaii trở thành chặng thứ 8. Ngày 29 tháng 6 vừa qua thì Solar Impulse 2 đã cất cánh trở lại và Borschberg đã điều khiển Solar Impulse 2 bay liên tục trong 5 ngày đêm, hoàn tất 80 giờ hành trình chính và thêm gần 40 giờ để đưa máy bay hạ cánh xuống sân bay Kalaeloa, phía tây Honolulu trên đảo Oahu vào 3 giờ 55 phút chiều ngày 3 tháng 7 (giờ GMT).

Để thực hiện chuyến bay dài hơi này, Borschberg đã phải tuân theo một chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt, ngủ không quá 20 phút mỗi lần để có thể duy trì khả năng điều khiển, áp dụng cả kỹ thuật yoga, thiền để thích nghi với điều kiện cabin không áp suất, không được sưởi ấm trong 5 ngày liên tiếp. Solar Impulse 2 đã trải qua quãng đường dài 7209 km - phá vỡ các kỷ lục trước đó về cự ly bay đối với các máy bay chạy năng lượng mặt trời; thời gian bay tổng cộng là 117 giờ 52 phút - phá vỡ kỷ lục cũ về chuyến bay một mình lâu nhất thế giới từng được nhà thám hiểm Steve Fossett xác lập vào năm 2006 với 76 giờ bay trên chiếc Virgin Atlantic Global Flyer. Solar Impulse 2 đã đạt độ cao tối đa 8634 m và tốc độ hành trình 61,19 km/h. Theo sát cuộc hành trình của Andre Borschberg trên Solar Impulse 2 là sự hỗ trợ của phi công Bertrand Piccard cùng các thành viên tại trung tâm kiểm soát sứ mạng ở Monaco - những người đã liên tục giữ liên lạc và đưa ra các chỉ dẫn hữu ích từ xa cho Borschberg.

Nhắc lại về Solar Impulse 2 thì đây là một chiếc máy bay chạy năng lượng mặt trời thuần túy, có sải cánh dài 72 m, rộng hơn cả sải cánh của Boeing 747-8I nhưng nặng chỉ 2300 kg. Solar Impulse 2 được chế tạo bằng sợi carbon và sử dụng một công nghệ chế tác thường được sử dụng trên các siêu du thuyền để khiến vật liệu carbon nhẹ hơn giấy 3 lần. Máy bay có 4 động cơ điện hoạt động bằng 17.248 cell pin mặt trời, mỗi cell pin dày 135 micron được tích hợp vào cánh và được bảo vệ bởi một lớp fluorine đồng trùng hợp.

Toàn bộ hệ thống pin mặt trời này chỉ nặng 633 kg. Khi bay, Solar Impulse 2 sẽ lấy năng lượng ánh sáng vào ban ngày để nạp vào pin và ban đêm, nguồn điện trữ trong pin sẽ được dùng cho các động cơ điện. Tốc độ trung bình của Solar Impulse 2 là từ 50 đến 100 km/h.Nói về kỷ lục mới, Borschberg cho biết: "24 giờ bay đầu tiên đòi hỏi tính chuyên môn nhưng kể từ ngày thứ 2, tôi thật sự bước vào sứ mạng. Tôi mất một lúc để nhận ra mối liên hệ tin cậy giữa mình và chiếc máy bay và điều này cho phép tôi nghỉ ngơi hay thậm chí bật chế độ tự lái để chợp mắt 20 phút mỗi lần."

Ông chia sẻ về những khó khăn gặp phải như "Tôi đã phải đưa máy bay lên độ cao tương đương với đỉnh Everest 5 lần mà không được nghỉ nhiều. Đội ngũ giám sát tại trung tâm kiểm soát sứ mạng (MCC) ở Monaco là tai mắt của tôi. MCC đã rất cố gắng giúp tôi nghỉ ngơi và phục hồi đồng thời giúp tôi tiết kiệm năng lượng và gởi thông tin về đường bay và kế hoạch bay mô phỏng bởi máy tính."Sau Hawaii, Solar Impulse 2 sẽ tiếp tục cuộc hành trình và Bertrand Piccard sẽ thay cho Andre Boschberg điều khiển máy bay hạ cánh xuống Phoenix, Arizona.

Từ đây, các phi công sẽ đưa máy bay trở lại lộ trình, bay dọc theo nước Mỹ (chặng 9 từ Hawaii đến Phoenix; chặng 10 từ Phoenix đến 1 thành phố giữa nước Mỹ; chặng 11 đến New York), vượt Đại Tây Dương đến châu Âu hoặc Bắc Phi (chặng 12) và hạ cánh xuống Abu Dhabi nơi nó đã khởi hành (chặng 13), hoàn thành 1 vòng bay quanh trái đất. Mục tiêu hàng đầu của cuộc hành trình là nhằm thu thập ý kiến của người dân trên thế giới cho cộng đồng Future is Clean - một cộng đồng vừa mới thành lập hướng đến mục tiêu thúc đẩy các Chính phủ thay thế những thiết bị, phương tiện gây ô nhiễm bằng những công nghệ mới, qua đó tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, giảm đáng kể khí thải CO2, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trong khi bảo vệ được môi trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận