Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hệ thống kết cấu giao thông hiện nay chưa được phân bố hoàn chỉnh giữa các lĩnh vực. Đường bộ, hàng không cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng ngành đường sắt chưa phát huy được lợi thế sẵn có, nhiều năm vẫn cũ kỹ, lạc hậu, tốc độ hiện đại hoá chậm.
Do đó, việc sớm hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam theo chỉ đạo của Chính phủ là một yêu cầu cần kíp.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), giai đoạn năm 2005-2010 có nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài nghiên cứu lập dự án này. Dự án được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5/2010.
Tuy nhiên, Quốc hội yêu cầu cần nghiên cứu kỹ hơn để làm rõ tính hiệu quả, khả thi của dự án. Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao hoàn thiện nghiên cứu dự án để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua...
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) cho biết, kết quả nghiên cứu đầu kỳ được rà soát, tổng hợp từ các kết quả nghiên cứu trước đây và cập nhật các dữ liệu gần nhất, kể cả những nhóm vấn đề còn nhiều tranh luận. Đồng thời, tìm hiểu kinh nghiệm thực tế phát triển đường sắt tốc độ cao của 14 nước trên thế giới; trong đó, có các nước châu Á về thị phần, công nghệ, suất đầu tư...
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, định hướng nghiên cứu hoàn thiện tiền khả thi dự án là đến năm 2020 nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc-Nam; trong đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ưu tiên đầu tư đoạn Hà Nội-Vinh, Tp. Hồ Chí Minh-Nha Trang.
Giai đoạn 2020-2030, triển khai xây dựng thực tế đường sắt tốc độ cao, với hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ 350km/h, nhưng giai đoạn I khai thác tốc độ chạy tàu 160km/h đến dưới 200km/h, giai đoạn 2 đạt 350km/h. Đến giai đoạn 2050 phấn đấu hoàn thành toàn bộ trục đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Cùng đó, báo cáo nêu một số kịch bản về hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính; các đề xuất liên quan định hướng nghiên cứu về phát triển công nghiệp đường sắt, phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư...
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, đây là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy nghiên cứu cần làm rõ, chứng minh được hiệu quả kinh tế - xã hội đối với sự phát triển của đất nước mà dự án mang lại.
Định hướng nghiên cứu phải so sánh với tổng thể các lĩnh vực vận tải, chứng minh được ưu thế vượt trội của đường sắt tốc độ cao so với đường bộ, hàng không giá rẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nghiên cứu phải đề xuất lựa chọn đầu tư tàu tốc độ cao chở khách hay chở khách kết hợp chở hàng hóa, tốc độ bao nhiêu, công nghệ, suất đầu tư, bố trí ga trung tâm tại các địa phương dọc tuyến; cũng như phân kỳ nghiên cứu chi tiết đầu tư theo giai đoạn 5 năm để đánh giá về nợ công, lợi ích, tác động kinh tế - xã hội, tác động môi trường...
Ngay trong giai đoạn đầu nghiên cứu cần có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài ngành giao thông vận tải, nước ngoài, có sự so sánh giữa công nghệ các nước nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong nghiên cứu và tiếp thu phản biện xã hội ngay từ đầu.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án nghiên cứu và các nhân sự tham gia phải ổn định, có chuyên môn, năng lực tốt. Ban chỉ đạo họp mỗi tháng một lần, xây dựng lộ trình tiến độ cụ thể mục tiêu để tháng 10-11/2018 nghiên cứu dự án được Chính phủ thông qua, đến tháng 5/2019 trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.