Sơn La: Chủ động nhiều phương án phòng chống thiên tai, giảm thiệt hại cho các tuyến giao thông

Tác giả: Minh Tùng

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 16/05/2023 11:55

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2023 thời tiết có thể diễn biến phức tạp, cực đoan bất thường, thiệt hại do mưa lũ đối với các công trình giao thông sẽ rất lớn.

Sơn La: Nhiều phương án tối ưu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nan 2023 - Ảnh 1.

Tuyến QL37 đi qua địa bàn tỉnh Sơn La vào mùa mưa luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt, gây mất ATGT (Trong ảnh: Công ty cổ phần quản lý sửa chữa và xây dựng công trình giao thông II Sơn La sẵn sàng phương tiện máy móc ứng phó kịp thời khi có sự cố trên tuyến)

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Chính - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho biết: Để chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả với các dạng thiên tai và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, giải tỏa ách tắc giao thông nhanh nhất các tuyến đường do Sở GTVT quản lý nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung đảm bảo luôn thông suốt, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT tỉnh Sơn La đã lập nhiều phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phân luồng đảm bảo giao thông năm 2023.

Được biết, đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có tổng số 18.286,3km đường bộ, gồm: 10 tuyến/884,6km quốc lộ; 19 tuyến/1.006,4km đường tỉnh; 133 tuyến/1.956km đường huyện; 326 tuyến/237,6km đường đô thị; 1.481 tuyến/5.327,8km đường xã; 53 tuyến/309,1km đường chuyên dùng và 13.474 tuyến/8.564,9km đường GTNT khác (đường bản, thôn, xóm, nội đồng...). Trong đó, Sở GTVT Sơn La quản lý 9 tuyến Quốc lộ dài 671,56km và 19 tuyến đường tỉnh dài 1.006,4km (riêng QL6, đoạn Km153-Km366+265, L=213,3km do Khu QLĐB I quản lý); UBND cấp huyện, thành phố quản lý đường huyện, đường xã, đường đô thị trong địa giới hành chính; đường chuyên dùng do doanh nghiệp đầu tư quản lý.

Để chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, Sở GTVT tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các Phòng, Ban và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt quy định về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành GTVT; Tập trung thông cống rãnh; khơi thông dòng chảy; sửa chữa hư hỏng mặt đường; gia cố những vị trí công trình bị hư hỏng; điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ.

Tăng cường công tác tuần đường, phát hiện kịp thời hư hỏng do mưa lũ gây ra, tổng hợp báo cáo chính xác khối lượng thiệt hại, làm cơ sở chỉ đạo thực hiện phù hợp với thực tế hiện trường; bố trí vật tư vật liệu dự phòng máy móc thiết bị phương tiện vận tải, phương tiện cơ giới tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

Kiểm tra, xác định các vị trí xung yếu có nguy cơ bị ách tắc vào mùa mưa do sụt trượt, ngập úng để lập phương án phân luồng và bố trí nhân lực, vật tư, thiết bị ứng cứu đảm bảo giao thông khi có ách tắc xảy ra; sơn, chỉnh sửa, cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo, cột thuỷ trí ở những đoạn đường, các ngầm tràn thường bị ngập nước, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông khi đường, cầu bị hư hỏng, ách tắc; đặc biệt lưu ý các tuyến đường huyết mạch có nguy cơ ách tắc.

Tiến hành đo đạc, quan trắc, theo dõi, giám sát an toàn công trình và thiên tai ảnh hưởng đến an toàn công trình, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, hạng mục công trình.

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình cụ thể của từng tuyến đường, doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý BDTX đường bộ chủ động ký hợp đồng nguyên tắc với doanh nghiệp, người dân có máy móc, thiết bị trên tuyến đường được giao quản lý, khi có tình huống ách tắc xảy ra có thể sử dụng ngay máy móc trên tuyến để đảm bảo giao thông kịp thời.

Tại bến phà, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị phải bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị phục vụ vượt sông; phương tiện dự phòng chuẩn bị sẵn sàng hoạt động tốt đảm bảo đưa vào sử dụng ngay khi có yêu cầu; có phương án đảm bảo giao thông; phương án neo, đậu, để bảo vệ an toàn cho phương tiện, thiết bị, tài sản; bổ sung thiết bị an toàn giao thông như phao, áo phao cứu sinh, hệ thống neo chằng, kê chèn...; đảm bảo ATGT đường thủy các bến tàu thuyền trong mùa mưa lũ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ, XDCB chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng cho công tác PCTT&TKCN: Máy móc thiết bị, vật tư dự phòng (đá hộc, rọ thép, ôtô tải, máy xúc các loại, máy cắt cây...) ưu tiên bố trí tại các tuyến đường, vị trí trọng yếu.

Đối với rọ thép dự phòng được Cục Đường bộ Việt Nam cấp, Sở GTVT đã giao cho các doanh nghiệp quản lý, yêu cầu đơn vị kiểm tra lại, nếu đã sử dụng trong mùa mưa năm 2022 thì doanh nghiệp phải mua sắm bù ngay số lượng rọ thép đã sử dụng; đảm bảo số lượng rọ thép dự phòng được cấp sẵn sàng trong kho, khi cần thiết sử dụng phải có ngay.

"Để đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ năm 2023 cần kịp thời xác định một số tuyến đường đi qua địa hình, địa chất phức tạp thường xuyên xảy ra sụt lở ta luy dương, sa bồi, sụt trượt ta luy âm có nguy cơ gây ách tắc giao thông để bố trí vật tư dự phòng, nhân công và máy móc thiết bị đảm bảo đủ điều kiện thông xe đảm bảo giao thông bước 1 với thời gian nhanh nhất khi có tình huống ách tắc giao thông xảy ra", ông Chính cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận