Nguồn cung dồi dào
Nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại một số quốc gia, khi quy định bắt buộc tỷ lệ NLSH thay thế, đã cân nhắc tới vấn đề nguyên liệu đầu vào cũng như ngành công nghiệp NLSH. Và vì mục đích môi trường, nhiều nước không sản xuất NLSH nhưng vẫn bắt buộc sử dụng. Tại Braxil do nhận được ngưồn lực tài chính khổng lồ và những chính sách ưu đãi của Chính phủ, sản phẩm xăng SH có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản xuất ethanol với sản lượng gần 25 tỉ lít/năm; hơn 80% phương tiện vận tải sử dụng NLSH. Tại Thái Lan, hầu hết các trạm xăng dầu đều bán xăng E20 (loại xăng thông dụng nhất); 99% lượng xăng bán là E10, E20, E85. Chính phủ Thái Lan áp dụng chính sách trợ giá cho E20 thấp hơn M95 khoảng 36 cents/gallon (tương đương 9,5 cents/lít); tháng 1/21013 yêu cầu các Công ty dầu dừng cung cấp xăng RON91 để thay thế bằng E85; áp dụng chính sách miễn thuế tiêu thụ 1.587 USD/chiếc đối với các xe sản xuất tương thích với E85 và 52 USD/chiếc đối với xe sản xuất tương thích với E20. Ở châu Âu, Chỉ thị EC 2003/30, ban hành tháng 5/2003, yêu cầu các nước thành viên đạt một tỷ lệ tối thiểu cho NLSH và nhiên liệu tái tạo khác trên thị trường.
Tại Việt Nam, chương trình sản xuất NLSH đã được triển khai với Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” (Đề án 177/2007/QĐ-TTg). Việt Nam đã có 13 dự án đăng ký triển khai sản xuất ethanol nhiên liệu, 6 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 418 ngàn tấn/năm, đủ để pha khoảng trên 8 triệu tấn xăng E5, hoặc trên 4 triệu tấn xăng E10…
Cũng như các loại nhiên liệu khác, chất lượng NLSH, các loại phụ gia sử dụng trong phối trộn được quản lý bằng hệ thống các Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và Quy trình đánh giá sự phù hợp. Các Tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam áp dụng cho NLSH được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các tiêu chuẩn của EU, Hoa Kỳ, đảm bảo hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
Là đơn vị chủ đạo thực hiện Đề án 177, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư 3 Nhà máy SX cồn sinh học tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nhà máy NLSH Phú Thọ có công suất 100.000 m3/năm, đang tạm dừng do các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng EPC. Nhà máy đã quy hoạch vùng nguyên liệu tại Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Lào, khuyến khích phát triển trồng 4000 ha sắn năm 2011. Nhà máy NLSH Dung Quất, Quảng Ngãi vận hành Quý 3/2013, đã lập quy hoạch và dự án đầu tư trồng 16.7000 ha sắn tại địa phương, có thể đáp ứng 50 – 60% nguyên liệu. Nhà máy NLSH Bình Phước vận hành cuối năm 2012, đang tạm dừng bởi đối tác ITOCHU yêu cầu rút vốn khỏi dự án.
Để triển khai chương trình NLSH có hiệu quả, PVN đã tập trung nghiên cứu các đề tài liên quan đến chất lượng xăng E5, E10, E20; các giải pháp kỹ thuật pha chế, vận chuyển, bảo quản NLSH gốc E100, B100…, nghiên cứu pha chế E100 như một phụ gia pha xăng thông dụng; nghiên cứu giống, kỹ thuật trồng trọt, quy hoạch vùng nguyên liệu, đa dạng hoá nguyên liệu cho SX… nâng cao hiệu quả KT – XH và BVMT trong SX và sử dụng NLSH. Tập đoàn đã xây dựng và đưa vào hoạt động 100 Trạm pha chế theo mẻ, 280 Trạm pha chế inline tại Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Hiện 39 tỉnh, thành trên cả nước đã có 15 cửa hàng bán xăng E5. Sản lượng SX và tiêu thụ năm 2012 của các Nhà máy đạt 21.778 m3, bán trong nước 2.226 m3, xuất khẩu 11.503 m3, tồn kho 7.610 m3.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất nhiên liệu sinh học do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phú Cường – Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, do khó khăn về thị trường tiêu thụ trong nước, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đang hoạt động với công suất cầm chừng, bởi phần lớn sản phẩm phải xuất khẩu với giá thấp hơn giá thành. Theo đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, một trong những nguyên nhân chủ yếu cản trở việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học là do hầu hết doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác chưa chủ động, tích cực đầu tư phát triển mạng lưới phân phối khiến tốc độ phát triển mạng lưới phân phối chậm chạp, không đáp ứng được tốc độ phát triển của các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học.
Trên thực tế, cả nước hiện mới có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư 5 cơ sở pha chế xăng E5 tại Đình Vũ, Nhà Bè, Liên Chiểu, Vũng Tàu và 4 kho đầu mối phục vụ kinh doanh xăng E5. Hệ thống phân phối xăng E5 trên toàn quốc đã có 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PVOIL/PETEC (thuộc Petrovietnam), Saigon Petro. Trong khi đó, doanh nghiệp chiếm thị phần kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước (50%) là Petrolimex vẫn… chưa có kế hoạch đầu tư?!.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh nhiên liệu sinh học vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư (trong nước chưa sản xuất được) phục vụ tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu sinh… Hiện phí môi trường cho xăng E5 chưa được miễn (chỉ miễn phí cho E100), chưa có quy định về thuế đối với nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học. Do đó, theo các chuyên gia, để phát triển vùng nguyên liệu, cần nghiên cứu giống mới cho phát triển nguyên liệu sắn và kỹ thuật canh tác cho nông dân, cần nghiên cứu cơ chế cấp vốn tín dụng ưu đãi cho bà con nông dân trồng sắn. Đặc biệt, các cơ quan này cần được xây dựng sớm nhằm tạo sự gắn kết lâu dài, hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, người thu mua và nông dân; trong đó ban hành các quy hoạch cứng về vùng trồng sắn nguyên liệu để nông dân yên tâm đầu tư trồng trọt.
Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (53/2012/QĐ-TTg). Theo đó, từ ngày 1/12/2014, xăng E5 sẽ được sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ ngày 1/12/2015, xăng sinh học E5 sẽ được sử dụng rộng rãi cho các loại phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Còn xăng sinh học E10, sẽ được sử dụng tại 7 tỉnh thành phố từ ngày 1/12/2016 và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/12/2017.
Theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, Bộ Công thương và các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học phải quyết tâm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Không được lấy lý do khó khăn để đề nghị điều chỉnh lộ trình bởi vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả đầu tư, đời sống người trồng sắn… đều phụ thuộc vào việc thực hiện lộ trình này. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị các bên liên quan thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm được giao, tăng cường phối hợp chặt chẽ, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn để thực hiện đúng lộ trình theo Quy định.
Theo các chuyên gia, để phát triển thành công trong việc đưa nhiên liệu sinh học đặc biệt là thị trường xăng sinh học E5 vào đời sống thay thế các loại xăng truyền thống, có hai điều kiện được coi là tiên quyết: (1) Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành cần sớm ban hành chính sách và có cơ chế pháp lý phù hợp cho việc đầu tư, sản xuất, phân phối và sử dụng xăng sinh học E5 tại Việt Nam; (2) ứng dụng khoa học mới vào sản xuất kinh doanh và phát triển vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển thị trường.
BBT
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.