Sứ mệnh “Chắp cánh ước mơ bay”

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 17/02/2018 07:38

Nhu cầu vận tải hàng không ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ cập và đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống nhân dân, nhất là khi Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Những năm qua, chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines; các hãng hàng không cổ phần và tư nhân, các máy bay, trực thăng riêng, dịch vụ cho thuê máy bay cũng đã hình thành và hoạt động sôi nổi, điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Hàng không, nhất là đội ngũ phi công.

 

787
 


Tính đến thời điểm năm 2007, Việt Nam vẫn chưa có trường đào tạo phi công cho hàng không dân dụng. Khi đó, các hãng hàng không tại Việt Nam vẫn phải thuê trên 80% phi công nước ngoài, đồng thời hàng năm gửi học viên đi đào tạo ở các nước để đào tạo nguồn phi công nội địa bằng nguồn kinh phí của hãng với chi phí hàng chục triệu USD/năm.

Vào tháng 9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho phép Vietnam Airlines thành lập trường bay đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng nguồn tài trợ 01 triệu USD của Airbus thông qua Tập đoàn Hàng không vũ trụ châu Âu (European Aeronautic Defence and Space Company - EADS) để cung cấp nguồn lực phi công cho ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Ngày 11/6/2008, Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt được thành lập với sự góp mặt của các cổ đông Vietnam Airlines (Công ty mẹ), Công ty Cổ phần Cho thuê máy bay (VALC), Công ty Bay Trực thăng (VNH), Học viện Hàng không ESMA (Pháp) và Công ty TNHH Vinaero (đại diện của Airbus). Nhiệm vụ của Bay Việt là đảm bảo đào tạo và cung cấp 50 - 60% nhu cầu nhân lực phi công dân dụng của các hãng hàng không trong nước với đẳng cấp và chất lượng quốc tế, giảm gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không và nguồn ngân sách quốc gia đối với hoạt động đào tạo và khai thác phi công.

Sau 10 năm thành lập và phát triển, Bay Việt đã đạt những thành tựu đáng kể. Đầu tiên phải kể đến là thành công trong việc nhận chuyển giao công nghệ đào tạo phi công từ Học viện Hàng không ESMA (Pháp) thông qua gói hỗ trợ tài chính từ Tập đoàn EADS tạo đà cho Bay Việt xây dựng cơ sở huấn luyện lý thuyết phi công đầu tiên tại Việt Nam. Vào năm 2012 và 2013, Bay Việt lần lượt nhận Chứng chỉ phê chuẩn Tổ chức huấn luyện Phi công cấp 3 - ATO3 (huấn luyện lý thuyết phi công vận tải hàng không ATP) và Tổ chức Huấn luyện phi công cấp 2 - ATO2 (huấn luyện phối hợp tổ lái MCC).

Sau khi nhận chứng chỉ ATO3, Bay Việt đã mở khóa Lý thuyết Phi công vận tải Hàng không đầu tiên (ATP1) vào tháng 9/2012 với 22 học viên theo phương thức xã hội hóa, tức học viên hoàn toàn tự túc kinh phí đào tạo. Sau đó, Bay Việt tiếp tục khai giảng khóa ATP2 vào cuối tháng 11/2012. Sau 5 năm, Bay Việt đã triển khai đào tạo được 21 khóa học Lý thuyết phi công vận tải hàng không cho 505 học viên với 10 quốc tịch khác nhau.

Giai đoạn huấn luyện bay sẽ được thực hiện ở nước ngoài thông qua các đối tác là những trường bay đã được CAAV phê chuẩn và Vietnam Airlines công nhận. Hiện tại, Bay Việt có trên 100 học viên đang thực hành bay ở 5 trường tại châu Âu, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ.

Sau khi hoàn thành giai đoạn huấn luyện bay tại nước ngoài, các học viên trở về Việt Nam tham gia khóa huấn luyện phối hợp tổ lái MCC. Đây là giai đoạn cuối cùng trong chương trình huấn luyện phi công cơ bản, đồng thời là qui định bắt buộc đối với các học viên phi công cơ bản trước khi được bàn giao cho hãng hàng không để huấn luyện chuyển loại. Trong hai năm kể từ khi đưa vào khai thác, 250 học viên phi công đã được huấn luyện MCC thành công trên Thiết bị huấn luyện mô phỏng ALSIM ALX Business tại cơ sở huấn luyện của Bay Việt.

Kết quả những nỗ lực của Bay Việt trong 10 năm qua là việc bàn giao được 210 phi công cho ngành Hàng không Việt Nam, giúp Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm khi thay thế được một phần nguồn phi công ngoại. Đặc biệt tháng 10/2017, Bay Việt còn bàn giao 4 phi công Campuchia cho Hãng Hàng không Cambodia Angkor Air - đây là những phi công nội địa đầu tiên được bổ sung cho ngành Hàng không dân dụng Campuchia sau gần 30 năm kể từ khi Liên Xô tan rã.

Với những thành quả đã đạt được, vào cuối năm 2017, Bay Việt tiếp tục được Cục Hàng không Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ triển khai huấn luyện bay tại Sân bay Rạch Giá vào năm 2018 - tiến tới việc triển khai 100% hoạt động huấn luyện phi công cơ bản ngay tại Việt Nam. Đây là thách thức lớn và cũng là cơ hội để Bay Việt có thể hoàn thành sứ mệnh của mình đối với ngành Hàng không dân dụng nước nhà

Ý kiến của bạn

Bình luận