Hy vọng mong manh gắn bó với công ty
Công ty Honda đầu tư vào Việt Nam năm 1996 đến năm 1997. Là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư sớm nhất tại Vĩnh Phúc, Honda Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn lao động, nhất là lao động phổ thông trong tỉnh. Nơi đây là niềm mơ ước về nghề nghiệp của rất nhiều các bạn trẻ ở Việt Nam.
Thời gian gần đây, báo điện tử có nhận được phản ánh của rất nhiều công nhân đã và đang làm việc tại công ty Honda Việt Nam về việc họ không được ký hợp đồng dài hạn sau khi kết thúc 3 năm làm việc tại công ty. Phóng viên đã có mặt tại trụ sở công ty tại TX. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc để tìm hiểu về vấn đề này.
Trần Văn T. sinh năm 1995, quê tại một huyện nghèo ở tỉnh Tuyên Quang. Học hết THPT do điều kiện gia đình không cho phép nên T. quyết định không đi học chuyên nghiệp mà đi làm để phụ giúp gia đình. “Ngay từ khi lên lớp 10 em đã có ý định sau khi học hết cấp 3 sẽ xin vào Công ty Honda để làm công nhân”, T. chia sẻ.
Như dự định, sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp THPT trên tay, T. làm hồ sơ để xin làm công nhân tại công ty Honda Việt nam. Qua 3 vòng phỏng vấn T đã được nhận làm công nhân của Công ty. “Em quyết định dành hết tâm huyết của mình để phấn đấu cho công ty. Em hy vọng công việc này có thể giúp em có một cuộc sống ổn định, một tương lai vững chắc khi về già”, T. kể lại suy nghĩ của mình trong quãng thời gian đầu khi mới vào làm việc.
Độc chiêu “vắt chanh bỏ vỏ”
Mong ước là như vậy, nhưng thực tế thì lại hoàn toàn không như kỳ vọng của chàng thanh niên sinh năm 1995 này. Làm việc được 2 năm, T. nhận thấy số lượng anh chị làm tại công ty thay đổi nhiều, cứ mỗi năm lại có già nửa số người làm tại đây nghỉ việc. Đem thắc mắc đi hỏi những anh chị khác, T. mới được biết rằng: “Ở đây họ (Công ty Honda Việt Nam – PV) chỉ giữ lượng cơ hữu 40% là công nhân chính thức, số còn lại họ tìm mọi cách để sa thải và sẽ thay thế bằng lứa công nhân mới”.
“Giờ đây em thực sự hoang mang, 1 tháng nữa em sẽ bắt đầu kỳ thi để trở thành công nhân chính thức của công ty. Em không biết tương lai mình đi về đâu sau kỳ thi này, khi mà tỉ lệ đỗ mà em tìm hiểu rất thấp, chỉ 10%”, T. bộc bạch.
Ngoài T. phóng viên có liên hệ với anh Trần Đăng Vinh (Thái Nguyên), từng làm công nhân tại đây 3 năm và hiện giờ anh lại bắt đầu công việc tại một Công ty khác. Anh Vinh kể, “Năm cuối cùng tại đây tôi luôn phải sống trong nỗi lo mất việc, và cuối cùng điều đó đã là sự thật. Một kỳ thi khó hơn kỳ thi Đại học, với một khối lượng kiến thức khổng lồ. Đó là kỳ thi mang tính đánh đố công nhân”.
Thực chất kỳ thi này là cách để HVN có cớ sa thải công nhân, kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”!?
Theo số liệu được cung cấp bởi Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hàng năm có sự biến động rất lớn giữa lao động bị dừng đóng BHXH và lao động được Honda Việt Nam đóng mới BHXH. Cụ thể như: số lượng lao động dừng đóng BHXH trong các năm 2013, 2014, 2015 lần lượt là: 1.837; 1.670; 2.491 lao động. Số lượng đóng mới: năm 2013 là 2.224 người; 2014 là 2.221 người; năm 2015 là 1.896 người.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.