Sự vô cảm với người bị nạn

Bạn đọc 11/05/2015 17:00

Sự vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông đang là thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay.


Nhiều người sợ giúp đỡ hoặc cố làm ngơ khi nhìn thấy người cần giúp đỡ.

Nhiều người sợ giúp đỡ hoặc cố làm ngơ khi nhìn thấy người cần giúp đỡ.

Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ va chạm và tai nạn giao thông. Trong số đó, có rất nhiều nạn nhân được cứu sống nhờ được lái xe và người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng có một số người phải đối mặt với tử thần hoặc những thương tật suốt đời vì không được giúp đỡ.

Sự vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông đang là thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay, khi lòng nhân ái và sự sẻ chia đang bị lấn át bởi tính vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ khi gặp các nạn nhân nhưng lại s không biết bắt đầu từ đâu, hoặc thiếu kỹ năng sơ cấp cứu…..

6h sáng ngày 22/9/2014, một xe ô tô 4 chỗ chạy từ thị xã Kiến Tường về Thành phố Tân An, tỉnh Long An đã bất ngờ mất lái lao xuống ao ven đường tại km51, quốc lộ 62 thuộc địa bàn huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Sau khi lăn nhiều vòng, chiếc xe bị ngập dần trong nước, 4 người trong xe đều chết ngạt, trong đó có vợ chồng một bác sỹ. Những người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn đã không tránh khỏi bức xúc khi đã cố gắng chặn 2 xe khách để đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng 2 tài xế vẫn nhấn ga bỏ đi. Chỉ đến khi chiếc xe khách thứ 3 chịu dừng lại cứu giúp thì đã qua muộn.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho sự vô cảm của người tham gia giao thông. Chúng ta hẳn không quá xa lạ với hình ảnh xúm đông xúm đỏ mỗi khi xảy ra các vụ va chạm hay tai nạn giao thông trên đường. Hàng chục người vây quanh nạn nhân, chỉ trỏ, bình luận nhưng không ai đứng ra gọi xe cấp cứu, cơ quan chức năng hay hỏi thăm, kiểm tra tình trạng sức khỏe của nạn nhân.

Chính sự hiếu kỳ không đáng có đôi khi làm ảnh hưởng đến công tác cứu giúp các nạn nhân và là nguyên nhân gây ra các vụ ùn tắc giao thông, gây mất trật tự an toàn xã hội. Nhiều trường hợp, nạn nhân kêu gọi sự giúp đỡ nhưng vì tâm lý sợ trách nhiệm, ngại liên quan nên nhiều người vẫn bỏ ngoài tai. Trong khi một số cá nhân lại sợ người nhà nạn nhân hiểu lầm, có thể gây ra những rắc rối không đáng có.

Chị Minh Hải- sống tại quận Hà Đông bày tỏ: Mình chưa tham gia để giúp ai bao giờ nhưng mình thấy nhiều trường hợp, người ta giúp nhưng mà bị vạ lây theo. Có trường hợp đưa bệnh nhân vào bệnh viện nhưng đến khi người nhà đến, chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào nhưng đã nghĩ người ta là người gây tai nạn cho nạn nhân và người ta xông vào đánh đập người đấy.

Nhiều khi người muốn giúp nhưng mà không dám giúp. Khi nhìn thấy thì cũng rất là muốn giúp người ta vì lúc đấy người ta không có ai là người thân nhưng cũng có điều lo lắng là không dám giúp bởi vì sợ là mình sẽ bị ảnh hưởng, sợ là người nhà người ta nghĩ mình sẽ là người gây tai nạn chứ không phải là người khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa

Tâm lý của chị Hải cũng giống như của nhiều người tham gia giao thông khác. Không chỉ ngại gia đình nạn nhân hiểu lầm, ngại phải trở thành nhân chứng trả lời cơ quan chức năng mà nhiều người có tâm lý sợ “đen đủi”. Nhiều trường hợp, bản thân người tham gia giao thông khi gặp các vụ tai nạn sẵn sàng giúp đỡ nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, nhờ ai trông giữ xe, tài sản cho bản thân và nạn nhân để đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Bởi trên thực tế, lợi dụng lúc tình hình lộn xộn, một đối tượng trả vờ giúp đỡ, mượn điện thoại để báo cho người thân các nạn nhân sau đó bỏ chạy trong khi một số đối tượng khác trà trộn để ăn cắp đồ của nạn nhân và những người xung quanh.

Một trong những lý do khiến người tham gia giao thông không sẵn sàng trợ giúp nạn nhân gặp Tai nạn giao thông là do đa phần mọi người còn thiếu những kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng xử lý trong những tình huống khẩn cấp nên không biết cấp cứu nạn nhân như thế nào.

Anh Nguyễn Văn Cảnh – quận Thanh Xuân cho biết: Trên quan điểm của tôi, đối với những người bị tai nạn mình nên giúp đỡ người ta nhưng Mình không có chuyên môn nên mình cũng băn khoăn chuyện đây thật. Nếu người ta mà bị gãy tay, gẫy chân thì đơn giản . Vì có nhiều người, người ta bị nặng quá, mình chỉ có cách vẫy xe taxi, mình đỡ người ta lên xe chuyển vào bệnh viện hoặc gọi cho 115. Nhiều người người ta ngã đập đầu phải để cho người ta nằm một lúc cho khỏi choáng nếu mình không biết nếu mình nhấc lên đột ngột quá thì sẽ lại là một vấn đề.

Không chỉ lo lắng về việc do không có kiến thức về y tế, kỹ năng sơ cấp cứu và chưa hiểu về tiền sử bệnh của nạn nhân mà có thể thế khiến tình trạng sức khỏe nạn nhân trở nên nặng hơn, anh Cảnh còn khá băn khoăn về việc có thể nhiễm bệnh từ chính các nạn nhân bị tai nạn giao thông. Chia sẻ về một lần giúp đỡ một nạn nhân bị tai nạn giao thông, anh Cảnh cho biết, sau khi bế nạn nhân bị gãy tay chân, người bê bết máu lên xe taxi để đi cấp cứu, người dân xung quanh mới cho biết nạn nhân bị nhiễm HIV- AIDS, anh Cảnh đã rất lo lắng và sau đó phải đến bệnh viện theo dõi trong một thời gian dài.

Theo thống kê, số lượng người tử vong vì không được cấp cứu kịp thời sau khi bị tai nạn giao thông tại Việt Nam là khá cao. Đối với những nạn nhân bị thương nặng, việc đưa đi bệnh viện cấp cứu phải được đưa đi bằng xe ô tô, taxi hoặc xe cấp cứu. Tuy nhiên, hệ thống xe cấp cứu còn khá hạn chế về số lượng và chất lượng nên thời gian có mặt tại hiện trường các vụ tai nạn là khá lâu.

Do đó, xe taxi, xe ô tô lưu thông trên đường là một trong những lựa chọn phù hợp đối với những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau mà nhiều lái xe vẫn thản nhiên cho xe chạy trên đường mặc cho cái chết đang cận kề với các nạn nhân. Bày tỏ quan điểm về ự vô cảm, thờ ơ của một số lái xe.

Chị Hoàng Mai ở Giảng Võ, Hà Nội cho biết: Tôi đã có lần chứng kiến, có người bị tai nạn và gẫy chân. Mọi người vẫy xe người ta không đỗ. Phải nhờ đến công an đứng ra vẫy thì xe đấy mới đỗ. Tôi không đồng tính với cách xử sự như thế. Có thể là do các lái xe quan niệm là đen đủi nhưng cứu người phải trên hết.

Lý giải về hiện tượng vô cảm của một số người khi gặp những nạn nhân bị Tai nạn giao thông, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lâm Thúy- hiện đang công tác Văn phòng tham vấn Gia đình và Trẻ em Vala (Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, mọi người ai cũng bận rộn với công việc của mình nên sự sẻ chia khó khăn với nhau ngày càng bị hạn chế. Mọi người có khuynh hướng lo cho bản thân nhiều hơn so với người khác. Do vậy, khi gặp các sự cố hay Tai nạn giao thông đa phần mọi người thường có tâm lý thích đứng xem, bàn tán nhưng lại ngại giúp đỡ.

Bà Nguyễn Lâm Thúy bày tỏ: Họ không nhận thức được vấn đề là nếu người bị tai nạn là người thân của mình thì mình phải làm sao. Mà họ chỉ nghĩ đấy là người qua đường, mình không quen biết nên chỉ xem tý rồi đi. Họ quên đặt mình vào người bị tai nạn, người bị thân bị tai nạn mà người khác thờ ơ, lạnh lùng thì trong lòng mình đau thế nào.

Bà Thúy cũng cho biết thêm, hiện tượng thờ ơ với những hoàn cảnh khó khăn hay với những người gặp nạn sẽ rất khó để loại bỏ nếu như công tác giáo dục cho trẻ em ở tuổi mầm non và thiếu niên không có sự thay đổi. Thay vì những chương trình giáo dục chung chung, nên giáo dục cho em cách ứng xử và có hành động đúng trong những tình huống cụ thể.

Bà Thúy đề nghị: Truyền thông lớn nhất là nên hướng dẫn người dân và ngay từ bé nên giáo dục cho các con là khi gặp tình huống bất thường nên gặp ai để trợ giúp. Khi gặp người bị nạn, đối với tình trạng nào thì báo cấp cứu, đối với những tình trạng nào thì nên gọi cảnh sát. Những người gặp người bị nạn đầu tiên phải báo cho cơ quan chức năng như y tế, cảnh sát để những người chức năng có năng lực đến hỗ trợ.

Đồng với quan điểm của chuyên gia tâm lý, bác Trịnh Văn Mão- một cán bộ nghỉ hưu cho rằng, việc cứu giúp các nạn nhân bị Tai nạn giao thông là việc làm cần thiết và là trách nhiệm của mỗi người dân. Nó không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam mà còn là cách hành xử của những người có văn hóa, là tấm gương cho con cháu noi theo.

Bác Trịnh Văn Mão cho biết: Mình không giúp đỡ mà mình đi ra ngoài, hoặc bỏ qua đi mà không giúp đỡ thì theo tôi nghĩ là không nên. Chúng tôi là những người nghỉ hưu nhưng tinh thần trách nhiệm ai cũng phải có,nếu mà gặp những trường hợp đó tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ, mặc dù tôi nhiều tuổi. Và không những để các cháu học tập mà mọi người nhìn vào cái đẹp của xã hội ta là giúp đỡ những người tai nạn không may gặp phải Nếu mà không ấy thì gọi mọi người đến cứu, mọi người có thể vẫy xe đi qua hoặc mọi người chung sức vào.

Số người thương vong sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu không có mặt và giúp đỡ kịp thời của các thành viên nhóm phượt Phong Vân.

Số người thương vong sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu không có mặt và giúp đỡ kịp thời của các thành viên nhóm phượt Phong Vân

Chúng ta hẳn còn nhớ, những ngày đầu tháng 9 năm 2014, vụ tai nạn xe khách lao xuống vực tại Sa Pa, Lào Cai đã cướp đi sinh mạng của 14 người và làm hàng chục người bị thương. Số người thương vong sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu không có mặt và giúp đỡ kịp thời của các thành viên nhóm phượt Phong Vân.

Họ là các bạn trẻ, chưa bao giờ chứng kiến một vụ tai nạn thảm khốc đã vô cùng run sợ khi nhìn thấy những thi thể nằm vương vãi dưới vực sâu. Nhưng bằng sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái đã giúp họ vượt qua khó khăn trở ngại về địa hình, thời tiết để phôi hợp với đơn vị cứu hộ đưa các nạn nhân đi cấp cứu, nhờ đó mà nhiều nạn nhân đã vượt qua lưỡi hái tử thần. Nghĩa cử cao đẹp của nhóm phượt Phong Vân đã nhận được thư khen ngợi củ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và bằng khen của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia.

Gần đây nhất, những ngày giữa tháng 1/2015, cư dân mạng truyền tay nhau tấm ảnh chụp một thanh niên nắm tay một cô gái bị Tai nạn giao thông đang nằm tại hiện trường. Tài xế xe tải thiếu quan sát trong lúc lùi xe đã cán nát chân cô gái đang điều khiển xe đạp chạy phía sau trên đường Láng Hòa Lạc, Hà Nội. Mặc dù chỉ là người tham gia giao thông qua đường, nhưng ngay khi chứng kiến vụ tai nạn, nam thanh niên đã dừng xe, ngồi bên cạnh và nắm chặt tay nạn nhân để động viên trong lúc chờ xe cứu thương tới. Hành động nhân văn của nam thanh niên đã nhận được hàng nghìn lời khen ngợi và khích lệ của cư dân mạng.

Khi không may gặp tai nạn giao thông trên đường, các nạn nhân rất cần sự giúp đỡ của những người xung quanh, như gọi xe cứu thương, gọi cho cơ quan chức năng, thông báo cho gia đình, sơ cứu vết thương, đưa nạn nhân đi cấp cứu hay chỉ là cái nắm tay, lời hỏi thăm sức khỏe đều có ý nghĩa đối với các nạn nhân. Nó không chỉ giúp cứu sống nhiều người mà còn giúp cho các nạn nhân cảm thấy giảm đi sự đau đớn và với đi cảm giác tủi thân và cô đơn khi không có người thân bên cạnh.

Để có thể giảm thiểu được những thiệt hại về người sau những vụ Tai nạn giao thông thì sự giúp đỡ các nạn nhân của những người xung quanh có vai trò quan trọng. Mỗi người tham gia giao thông hãy đặt mình vào vị trí người bị nạn để có những ứng xử phù hợp. Thay vì có thái độ thờ ơ với người bị nạn, người tham gia giao thông, trong những tình huống khẩn cấp có thể gọi báo cho cơ quan chức năng, tìm kiếm những người có chuyên môn y tế để giúp đỡ các nạn nhân, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Về phía cơ quan chức năng, cần nâng cao năng lực của hệ thống phương tiện, chất lượng đội ngũ cấp cứu, đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền cho người tham gia giao thông những kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Song song với đó, Nhà trường và gia đình cũng cần nâng cao công tác giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ và giúp đỡ những nạn nhân bị Tai nạn giao thông cũng như những hoàn cảnh khó khăn khác.

(Theo Vov Giao thông)

Ý kiến của bạn

Bình luận