Sửa Nghị định 86 phải bảo đảm không còn nạn “xe dù, bến lậu”

Ý kiến phản biện 01/03/2017 07:11

Những năm qua, vấn nạn “xe dù, bến lậu” ở nước ta ngày càng nhức nhối, bởi Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô còn có “lỗ hổng”, khiến nhiều nhà xe lợi dụng tổ chức hoạt động xe khách trá hình, bến xe khách lậu. Với quyết tâm giải quyết dứt điểm nạn “xe dù, bến lậu”, đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVTsoạn thảo nội dung sửa đổi Nghị định 86. Song theo nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp vận tải thì bản dự thảo sửa đổi nghị định này vẫn còn nhiều “kẽ hở”. Ngày 24-2-2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1643/VPCP-ĐMDN đề nghị Bộ GTVT xem xét lại việc soạn thảo nội dung sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP để bảo đảm không còn nạn “xe dù, bến lậu”.


 

Ảnh 1
Ở TP Hồ Chí Minh có hàng nghìn ô tô đăng ký chạy hợp đồng nhưng trá hình chạy tuyến cố định, thường xuyên vào các “bến lậu” đón trả khách trái phép, gây ùn tắc giao thông.  

Dự thảo Nghị định 86 vẫn còn nhiều “lỗ hổng”

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, để xử lý “xe dù, bến lậu” cần chia làm 2 nhóm: Nhóm xe dù, xe khách trá hình và nhóm bến lậu. Nếu xử lý triệt để bến lậu thì xe dù, xe khách trá hình sẽ không còn nơi để “núp” và hoạt động. Thực tế là các đơn vị có xe khách trá hình thường dùng bãi đỗ xe, nơi đỗ xe để làm bến lậu, đón trả khách và lên xuống hàng hóa. Nhưng dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đã không bổ sung quy định về bãi đỗ xe, nơi đỗ xe là loại hình kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Do đó, nghị định sửa đổi cần giải thích, quy định rõ và thực hiện chế tài về bãi đỗ xe và nơi đỗ xe: “Cấm sử dụng bãi đỗ xe, nơi đỗ xe để đón, trả khách và giao nhận, lên xuống hàng hóa. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị phạt “thu hồi giấy phép kinh doanh”. Nếu quy định rõ ràng như vậy, các bãi đỗ xe, nơi đỗ xe sẽ không thể bị biến thành “bến lậu”; các xe khách trá hình sẽ phải hoạt động đúng pháp luật, phải vào bến xe để đón – trả khách theo đúng quy định.

Trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực GTVT về nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 86, chúng tôi thấy các ý kiến đều thống nhất cho rằng: “Xe dù, xe khách trá hình” hoạt động đón - trả khách chạy tuyến cố định nhưng không vào bến xe nhằm trốn các loại thuế, phí bến bãi; núp dưới danh nghĩa và sử dụng phù hiệu của xe hợp đồng, xe du lịch để “lách luật” vào nội thành đón - trả khách, gây ùn tắc giao thông... Do đó, nghị định sửa đổi lần này cần khắc phục những “kẽ hở” của Nghị định 86 trước đây. Cụ thể là:

Thứ nhất, cần giải thích rõ ràng về xe chở khách theo hợp đồng. Bản chất của xe hợp đồng là xe cho thuê dịch vụ vận tải. Do đó, cần quy định rõ “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng cho thuê vận tải hành khách giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định với người thuê vận tải và không được thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình trong một khoảng thời gian nhất định”

Thứ hai, cần bổ sung vào Nghị định sửa đổi nội dung “Hợp đồng cho thuê vận tải hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng cho thuê vận tải hành khách”. Điều này sẽ tránh tình trạng nhà xe ký nhiều hợp đồng với nhiều hành khách đi một chuyến xe như hiện nay nhằm hoạt động “trá hình” theo tuyến cố định.

Thứ ba, cần quy định cụ thể về “điểm khởi hành” và “điểm kết thúc” là cấp quận/huyện nhằm ngăn chặn các đơn vị tổ chức xe khách trá hình lách luật. Vì nếu quy định chung chung thì “điểm” có thể là số nhà, tên đường phố, phường... Khi đó các xe khách trá hình lập nhiều điểm đón trả khách cạnh nhau và ghi thay đổi trong hợp đồng để “lách luật”, mà cơ quan chức năng không thể xử lý được.

Thứ tư, dự thảo quy định “trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 50% tổng số chuyến xe của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau” thì không thể xử lý được xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Ví dụ, một xe khách trá hình chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội – Hải Phòng thì chỉ có tối đa 50% số chuyến xe khởi hành từ Hà Nội và kết thúc tại Hải Phòng; 50% số chuyến xe khởi hành từ Hải Phòng và kết thúc tại Hà Nội. Không thể có quá 50% số chuyến xe khởi hành hoặc kết thúc tại 1 điểm. Bên cạnh đó, nếu chỉ quy định mỗi xe không được quá 50% số chuyến trùng nhau mà không quy định rõ đơn vị vận tải cũng không được quá bao nhiêu % số chuyến chạy trùng nhau, thì một đơn vị vận tải có nhiều xe hợp đồng trá hình, chạy nhiều tuyến vẫn dễ dàng lách luật đổi xe chạy các tuyến để không bị quá giới hạn này. Do vậy, cần phải sửa lại là: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định và lái xe không được sử dụng xe hợp đồng để đón, trả khách thường xuyên, có tính chất lặp đi lặp lại nhiều lần tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được ấn định trước lịch trình, hành trình; trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau, không được thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình”.

Ảnh 2

Xe hợp đồng trá hình chở khách tuyến cố định Hà Nội – Nam Định đón khách tại “bến cóc” trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Không để “kẽ hở” cho “xe dù” lách luật

Qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Nghị định 86, chúng tôi còn nhận thấy bản dự thảo này đã bỏ bớt một số quy định về quản lý xe hợp đồng, xe du lịch, như bỏ nội dung “cấm thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”, và “trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở GTVT về số lượng hành khách và danh sách hành khách”.

Theo TS Phạm Sanh – một chuyên gia về GTVT, thì đây là bước thụt lùi so với Nghị định 86 hiện hành, tạo cơ hội cho các đơn vị tổ chức xe khách trá hình kinh doanh trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Thực tế hiện nay đã có đơn vị tổ chức xe khách trá hình không chỉ trực tiếp gom khách lẻ mà còn lách luật thành lập mới (hoặc liên kết) với các trung tâm du lịch hoặc công ty để đứng ra gom khách, thậm chí dùng “cò xe” lôi kéo, thu gom khách lẻ tại bến xe rồi đứng ra ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, để chở khách đi tuyến cố định nhằm trốn thuế, phí bến bãi. Do vậy, nghị định sửa đổi cần quy định rõ: “Cấm các tổ chức và cá nhân không được tự tổ chức thu gom hành khách lẻ, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe hợp đồng, xe du lịch dưới mọi hình thức”. 

Bên cạnh đó cần quy định thêm: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định và lái xe không được sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô” và “Trong thời gian một tháng, đơn vị vận tải không được sử dụng xe hợp đồng chạy quá 50% số chuyến trên tuyến liên tỉnh cố định của đơn vị đã đăng ký”. Lý do: Hiện nay nhiều đơn vị chỉ đăng ký vài xe chạy tuyến cố định để “làm phép”, lấy mác có chạy tuyến đó, rồi tự ý gom khách và sử dụng xe hợp đồng trá hình để chở khách đi tuyến cố định.

unnamed
Nhà xe Kết Đoàn tuyến Hải Phòng - Việt Trì biến lòng đường Phạm Hùng làm nơi đón, trả khách tuyến cố định.

Các chế tài phải chặt chẽ, công bằng

Đối với các chế tài xử lý vi phạm, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 hiện nay viết cũng chưa hợp lý. Ví dụ Điều 23 quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn khi trong thời gian 03 năm có tái phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Cần sửa lại như sau: “Trong thời gian 03 năm có tái phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và có 5% số xe hoạt động xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Lý do: Doanh nghiệp có nhiều xe hoạt động thì xác suất xảy ra tai nạn giao thông cao hơn. Ví dụ một công ty có 1.000 xe nếu chẳng may 1 xe xảy ra tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà đã bị rút giấy phép như doanh nghiệp chỉ có vài xe thì không hợp lý và không công bằng.

Cuối cùng, Nghị định 86 sửa đổi cần giao quyền chủ động cho doanh nghiệp vận tải đăng ký “nốt tài”, tần suất chạy xe,  bỏ cơ chế xin cho “nốt tài”. Vì đặc thù của tuyến cố định, người dân đi lại tập trung ở một khoảng thời gian nhất định trong ngày, hay còn gọi là khung giờ vàng. Hiện nay, những đơn vị vận tải đăng ký “nốt tài” trước thì được chiếm lĩnh mãi mãi các “nốt tài” vàng này, không quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp đi sau, dù chất lượng phương tiện và phục vụ tốt hơn cũng không thể đăng ký được “nốt tài” trong khung giờ vàng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc mua bán “nốt tài” với giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng như báo chí đã phản ánh và dẫn đến việc nhiều nhà xe không vào bến, bỏ ra ngoài lập “bến lậu” để tổ chức xe khách trá hình, xe dù.

Trước việc dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP còn nhiều “kẽ hở”, các doanh nghiệp vận tải kiến nghịBộ GTVT tổ chức hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp vận tải và sở GTVT các địa phương để bảo đảm việc sửa đổi nghị định thực sự chặt chẽ. Bên cạnh đó cần gắn trách nhiệm của cán bộ chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 86 để tránh tình trạng nước ta đã ban hành rất nhiều nghị định, thông tư về nội dung này và lần nào Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ xử lý được triệt để “xe dù, bến lậu” nhưng vấn nạn này lại ngày càngnhức nhối. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có hơn 17.000 xe khách chạy tuyến cố định, nhưng có tới hơn 55.000 xe ô tô đăng ký chở khách theo hợp đồng; rất nhiều xe trong số này hoạt động trá hình chở khách tuyến cố định để trốn các loại thuế, phí...

Ý kiến của bạn

Bình luận