Suy thoái gõ cửa, vì sao Đức không muốn chi đậm để kích cầu?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 15/09/2019 08:19

Giữa lúc những “đám mây đen” phủ bóng nền kinh tế khu vực, điều mà châu Âu cần nhất lúc này là Chính phủ Đức chịu mở hầu bao...

photo1568338639376-1568338639604-crop-156833870678

Mọi ánh mắt đều hướng về Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Theo trang CNN Business, trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ công bố thêm biện pháp hỗ trợ tăng trưởng thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng với lãi suất cơ bản đồng Euro đã ở mức thấp kỷ lục, tác động kinh tế của những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng như vậy sẽ không đáng kể, cho dù tâm lý của giới đầu tư có được cải thiện đi chăng nữa.

Truyền thống ngại vay nợ

Đức nổi tiếng là một quốc gia ngại vay nợ. Nhưng với nền kinh tế Đức hiện nay đang ngấp nghé "miệng hố" suy thoái, các chính trị gia nước này buộc phải "phá lệ", đi đến cân nhắc giữa các lựa chọn hỗ trợ tăng trưởng lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Khả năng Chính phủ Đức tung một gói chi tiêu lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng đang tạo ra không ít sự hưng phấn trong tâm lý giới đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng các nghị sỹ Đức, với quyết tâm duy trì cân bằng ngân sách quốc gia, chưa chắc đã phê chuẩn một gói kích cầu quy mô đủ lớn để vực dậy toàn bộ nền kinh tế khu vực.

"Một kế hoạch lớn để hỗ trợ nền kinh tế không phải là điều mà Chính phủ Đức sẵn sàng làm vào thời điểm này", chuyên gia kinh tế trưởng tại Đức của ING, ông Carsten Brzeski, nhận định.

Trong vòng một thập kỷ qua, Đức giữ vai trò là đầu tàu của sự phục hồi kinh tế châu Âu. Nhưng gần đây, nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Đức cùng lúc chịu sức ép suy giảm tăng trưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu giảm sút của thị trường ôtô toàn cầu, và nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) tức Brexit mà không có thỏa thuận nào.

Suy thoái kinh tế - được định nghĩa là khi một nền kinh tế suy giảm hai quý liên tiếp - đang dần "hiện hình" ở Đức. Kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý 2 năm nay và được dự báo giảm 0,3% trong quý 3. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), vốn rất thận trọng, cũng đã lên tiếng cảnh báo về sức khỏe của nền kinh tế.

"Suy thoái kinh tế Đức gần như đã được khẳng định chắc chắn", chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Pantheon Macroeconomics, ông Clause Vistesen, nhận định.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc tranh luận về một kế hoạch kích thích kinh tế tiềm năng của Chính phủ Đức trở nên sôi động hơn.

Thừa tiền nhưng ngại chi

"Chúng ta đang ở vào tình thế phải chống lại nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế bằng nhiều, nhiều tỷ Euro, nếu thực sự có một cuộc khủng hoảng như vậy nổ ra ở Đức và châu Âu", Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Olaf Scholz phát biểu trước các nghị sỹ nước này hôm thứ Ba. "Và chúng ta sẽ làm việc đó".

Cơ sở cho một kế hoạch như vậy là thặng dư ngân sách dồi dào của Đức. Trong nửa đầu năm nay, thặng dư ngân sách của nước này đạt 2,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Với mức thặng dư này, Chính phủ Đức có nhiều dư địa để hành động hơn so với những nước láng giềng nặng nợ.

Một nhân tố quan trọng khác là lợi suất trái phiếu chính phủ Đức đang ở sâu dưới ngưỡng 0. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm hiện có lợi suất âm 0,56%, đồng nghĩa với việc Đức có thể vay vốn miễn phí thông qua phát hành trái phiếu.

"Đức có thể vay tiền trên thị trường tài chính ngay lúc này với lãi suất 0, và sử dụng số tiền đó cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng", ông Brzeski nói.

Nhưng vấn đề nằm ở tư tưởng "thâm căn cố đế" phải đối chi tiêu công mạnh tay ở Đức. Sự phản đối này có từ sau thập niên 1970-1980, quãng thời gian mà thất nghiệp, lạm phát và nợ công của Đức cùng tăng mạnh, theo một báo cáo của Deutsche Bank. Xa hơn nữa, nỗi sợ vay nợ của người Đức bắt nguồn từ thời kỳ siêu lạm phát ở nước này hồi thập niên 1920.

Thời hiện đại, nước Đức cũng có những lý do để các chính trị gia nước này ưu tiên cân bằng ngân sách hơn là ném tiền chống chọi với một cuộc suy thoái nhẹ, theo chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg Bank.

Không nên kỳ vọng vào Đức

Đó là bởi suy thoái kinh tế không có ảnh hưởng quá lớn đến nhiều người Đức. Các công ty Đức luôn làm mọi điều có thể để tránh sa thải vì nước này thiếu lao động có kỹ năng. Ngoài ra, đa số người Đức đi thuê nhà thay vì sở hữu nhà, nên họ không phải lo về các khoản vay thế chấp nhà.

Hơn hết, người Đức có mức độ phụ thuộc lớn và rộng rãi vào lương hưu, mà lương hưu lại liên quan đến sức khỏe của nền tài chính công. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Đức muốn Chính phủ thận trọng trong chi tiêu công.

"Khá nhiều người Đức nghĩ rằng nếu Chính phủ tăng chi tiêu vào lúc này, thì sau 10 năm nữa, Chính phủ sẽ chẳng có tiền mà trả lương hưu cho họ", ông Schmieding nói. Dân số Đức lại đang lão hóa, nên mong muốn Chính phủ hạn chế chi tiêu càng rõ hơn bao giờ hết.

Khi các quan chức Đức nói về khả năng kích cầu, nhiều người cho rằng Đức có thể trở nên thoải mái hơn với việc không đạt mục tiêu về tài khóa nếu thu ngân sách từ thuế giảm trong trường hợp suy thoái kinh tế, theo ông Schmieding. Tuy nhiên, đây là một việc rất khác với thông qua một sáng kiến chi tiêu quy mô lớn.

Vào ngày 20/9 tới đây, Chính phủ Đức dự kiến sẽ công bố các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Một gói chi tiêu như vậy có thể được thông qua ngoài ngân sách. Nhưng ngoài ra, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng có thể là chuyện "nói dễ hơn làm".

Nói cách khác, Đức có thể tăng chi tiêu trong thời gian tới, nhưng sẽ không phải là những khoản chi khổng lồ như nền kinh tế châu Âu mong muốn.

Ý kiến của bạn

Bình luận