Sự cần thiết
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược, các quy hoạch phát triển, ngành GTVT đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển mọi mặt của đất nước.
Tuy nhiên, so với nhu cầu, GTVT nước ta nói chung và lĩnh vực vận tải nói riêng vẫn còn những hạn chế như: Cơ cấu phát triển các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ; năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 (Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, tập trung tái cơ cấu 4 lĩnh vực trụ cột, đó là tái cơ cấu, đổi mới thể chế, chính sách phát triển GTVT, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu vận tải.
Mục tiêu, định hướng
Triển khai công tác tái cơ cấu vận tải, Bộ đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo và yêu cầu các cục, tổng cục xây dựng 5 đề án tái cơ cấu vận tải lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa theo hướng phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải; xây dựng thể chế, chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, cụ thể:
Lĩnh vực đường bộ: Phát huy lợi thế của vận tải đường bộ trong gom hàng, tạo chân hàng, vận chuyển hàng hóa, hành khách với cự ly ngắn và trung bình; giảm thị phần vận tải đường bộ liên tỉnh, chia sẻ thị phần cho các phương thức vận tải khác. Ưu tiên phương tiện vận tải công cộng, phương tiện thân thiện với môi trường.
Lĩnh vực đường sắt: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa đường dài hoặc trung bình, khối lượng lớn; vận tải hành khách đường dài, hành khách liên tỉnh, liên thành phố và vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường sắt trên các hành lang vận tải chủ yếu và vận tải hành khách công cộng đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Lĩnh vực đường thủy nội địa: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng…) với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, vận tải pha sông biển.
Lĩnh vực hàng hải: Chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu; nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%; phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo; chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực; xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
Lĩnh vực hàng không: Chủ yếu đảm nhận vận tải hành khách đường dài, quốc tế và hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế.
Giải pháp và kết quả
Xác định mục tiêu cụ thể của công tác tái cơ cấu vận tải nêu trên, năm 2015 vừa qua, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như:
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải: Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành các Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT; các cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa; đồng thời ban hành theo thẩm quyền nhiều thông tư về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để triển khai thực hiện.
- Xây dựng và triển khai các phương án, đề án tăng cường kết nối các phương thức vận tải đến các cảng biển đầu mối, các trung tâm phân phối hàng hóa; phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
- Bộ đã xây dựng và triển khai hoạt động của sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường bộ bộ (chỉ sau 01 tháng đưa vào hoạt động, hơn 200 đơn vị kinh doanh vận tải đã đăng ký tham gia hoạt động trên sàn, nhiều giao dịch vận tải thông qua sàn đã ký kết thành công); đang tiếp tục xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không nhằm áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành vận tải, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải.
- Xác định doanh nghiệp chính là hạt nhân để phát triển hoạt động vận tải, Bộ GTVT đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp với tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 và phương châm hành động “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp” của Bộ GTVT.
Năm 2015, Bộ GTVT đã tổ chức 12 hội nghị đối thoại do lãnh đạo Bộ chủ trì và nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải; kịp thời trả lời, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong hoạt động kinh doanh các lĩnh vực vận tải và đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã trực tiếp trả lời, giải đáp thắc mắc cũng như giải quyết kiến nghị với 149 nội dung, toàn bộ nội dung trả lời đều được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp, hiệp hội.
- Đặc biệt trong năm 2015, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải, góp phần đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thực, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đến nay, tình trạng xe chở quá tải trọng đã giảm 91,5%, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội.
- Ban hành kế hoạch hành động tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Bộ đã triển khai tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam, qua 01 năm hoạt động đã vận chuyển được hơn 6 triệu tấn hàng hóa, trong đó phần lớn là các mặt hàng có khối lượng lớn và hàng siêu trường, siêu trọng (tương đương khối lượng vận chuyển của 200.000 xe ô tô có trọng tải 30 tấn).
- Kịp thời xử lý tình trạng ứ đọng hàng hóa tại các cảng biển thông qua việc tăng cường năng lực xếp dỡ, cải tiến công tác điều phối nội bộ cảng kết hợp với thực hiện hợp lý hóa xếp hàng lên phương tiện.
- Triển khai Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vận tải đường sắt; tăng số đôi tàu hàng chạy chuyên tuyến vận chuyển xăng dầu, container, hàng nông sản; mở thêm các điểm dỡ hàng và tăng cường các phương tiện xếp dỡ cơ giới để tăng năng lực dỡ hàng; triển khai dự án đóng mới toa xe, ưu tiên đóng mới toa xe chuyên dụng chở container...
- Mở rộng mạng đường bay, tăng năng lực khai thác các cảng hàng không, sân bay; đưa lộ trình tự do hóa khai thác thương quyền vào các hiệp định song phương và đa phương trong lĩnh vực hàng không; tăng cường công tác quản lý giá, phí dịch vụ hàng không, phi hàng không; mở nhiều tuyến vận tải liên vận quốc tế. Năm 2015, tổng sản lượng vận chuyển hành khách là 40,1 triệu khách, tăng 21,2% so với năm 2014; vận chuyển hàng hóa là 771 nghìn tấn, tăng 4,1% so với năm 2014.
- Kịp thời có các văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu giảm; tổ chức 02 đoàn kiểm tra giá cước vận tải để kịp thời chấn chỉnh các địa phương, đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá cước. Sau đợt kiểm tra thứ 2 của Bộ, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có văn bản chỉ đạo, 948 tuyến vận tải hành khách cố định, 33 tuyến xe buýt và 325 đơn vị taxi đã giảm giá cước; tất cả các hãng hàng không đã giảm giá cước, giá vận chuyển hàng không có tính cạnh tranh cao với giá vận tải đường sắt và đường bộ (ngang bằng hoặc thậm chí còn thấp hơn trên cùng tuyến vận tải).
- Ngoài các giải pháp nêu trên, Bộ GTVT cũng quan tâm, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng theo Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2012 phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và văn bản số 148/TTg-KTN ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải các thành phố lớn.
Trong năm 2016, Bộ GTVT sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ nêu trên, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế, chính sách; cải cách hành chính; kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường kết nối các phương thức vận tải tại các điểm đầu mối tập kết hàng hóa như bến cảng, nhà ga...; tiếp xúc và đối thoại với doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các sàn giao dịch vận tải...
Với sự nỗ lực và những giải pháp trên, tin rằng thị trường vận tải sẽ sớm được tái cơ cấu lại một cách hài hòa giữa các phương thức vận tải, phát huy được thế mạnh của từng phương thức và phát triển mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.