Tuy nhiên xe tay ga cũng gây không ít phiền toái, tai nạn, do thói quen hoặc thiếu hiểu biết của người sử dụng.
Một người quen của tôi kể chuyện anh mượn xe tay ga của người bạn chạy đi công việc gấp. Do quen với chiếc xe máy cũ của mình nên khi nổ máy anh đã vặn ga hơi lớn. Chiếc xe chồm lên hất anh một nơi và xe một nơi. Rất may lúc này xe còn trong sân nhà người bạn nên anh chỉ bị sây sát nhẹ và còn có cơ hội rút kinh nghiệm, nếu như ở ngoài đường đông xe cộ, không biết hậu quả thế nào!
Trường hợp té xe như anh cũng rơi vào nhiều người quen của tôi, tuy nhiên đó thường là do mới đi xe tay ga lần đầu hoặc chưa quen với xe tay ga. Có nhiều người đi xe tay ga nhiều lần vẫn bị tai nạn với lỗi phỗ biến là… nhầm tay phanh.
Như chị P. (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mua chiếc xe tay ga đi từ tháng 10-2014 đến nay đã ba lần bị ngã xe. Chị cho biết do không biết phanh nào là phanh trước, phanh nào là phanh sau, cứ leo lên xe là chạy, đến khi cần thắng gấp lại bóp phanh bên phải do thuận tay và xe bị ngã.
Sau ba lần ngã, vợ chồng chị đã tự kiểm tra bằng cách dựng chân chống giữa, lần lượt quay bánh trước, bánh sau và bóp thử phanh từng bên mới biết lâu nay đã bóp nhầm. Phanh bên phải tay lái là phanh trước và phanh bên trái mới là phanh sau cần sử dụng khi thắng xe cho an toàn.
Tìm hiểu nhiều người quen có sử dụng xe tay ga đời mới, chúng tôi thấy thực tế nhiều người không biết phanh bên nào là phanh trước, phanh sau. Vì điều này chị Đ.T.T. (Buôn Ma Thuột) đã không dưới hai lần ngã xe, một lần vợ chồng chị suýt mất mạng vì chị bóp phanh bên phải, chiếc xe ngã đột ngột khiến cả hai văng ra sát bánh chiếc xe tải đang ầm ầm lao tới.
Ngoài chuyện không xác định được phanh trước, phanh sau, nhiều người đi xe tay ga còn tự gây tai nạn do thói quen xấu khá phổ biến hiện nay là vừa chạy xe vừa nghe điện thoại. Nguyên lý cơ bản của xe tay ga đời mới có thể hiểu đơn giản là sử dụng hệ thống côn (ly hợp) hoàn toàn tự động.
Nghĩa là tay ga gần như thay thế toàn bộ chức năng của ly hợp. Chỉ cần tăng, giảm ga là xe đã tự động tăng số hoặc giảm số. Như vậy người lái gần như không thể thả hay buông tay ga (tức tay phải).
Từ đặc điểm cấu tạo như trên, Luật giao thông đường bộ đã cấm người chạy xe máy nghe điện thoại. Tuy nhiên lỗi vi phạm này lại khá phổ biến. Người chạy xe tay ga nghe điện thoại bằng tay trái, nên khi phanh bắt buộc họ phải bóp phanh tay phải, đồng nghĩa với bóp phanh trước khiến chiếc xe như gặp lực cản lớn, đột ngột làm xe ngã xoài ra đường và tai nạn như một điều tất yếu.
Ông Trương Hòa Thắng, chủ tiệm bán xe máy lâu năm ở Đắk Lắk, tâm sự: “Nhà sản xuất xe bố trí phanh trên tay lái có thể hiểu là nhằm mục đích đơn giản, dễ điều khiển cho người sử dụng. Vị trí phanh trước đặt bên tay ga bên phải, phanh sau đặt bên trái tay lái.
Nó khác với các xe máy thông thường là hệ thống phanh được đặt ở hai vị trí khác biệt. Phanh bằng chân (phanh sau) và phanh tay (phanh trước) đặt ở bên phải tay lái nên người lái ít nhầm. Việc thay đổi này nhân viên kỹ thuật của chúng tôi đều dặn dò rất kỹ người mua trước khi đưa ra sử dụng, nhưng rất nhiều người vì thói quen bóp phanh tay thuận bên phải nên rất nguy hiểm.
Việc nhiều người chạy xe ga dùng tay phải vừa điều chỉnh tay ga vừa bóp phanh theo bản năng khi điều khiển dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm khiến chúng tôi, những người kinh doanh xe, cũng hết sức trăn trở”.
Ông Trương Hòa Thắng cho rằng để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc khi sử dụng các dòng xe tay ga đời mới, phân khối lớn và kích thước lớn, người lái xe cần tập thật nhiều lần cho thành thạo động tác bóp phanh bằng tay trái, để tránh nhầm lẫn.
Đặc biệt khi có tình huống nguy hiểm cần dừng xe khẩn cấp phải sử dụng cả hai tay phanh: bóp phanh sau rồi mới bóp phanh trước, để tránh xảy ra tai nạn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.