Tình trạng ách tắc trên đường lên đỉnh Everest. Ảnh: Washington Post |
"Tắc đường" trên Everest
Nơi đây ẩn chứa những mối nguy hiểm cực độ, đặc biệt là trong năm nay khi khí hậu biến đổi khó lường cộng với cả những hiểm nguy xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm của các nhà leo núi.
Từ khi mùa leo núi năm nay bắt đầu, đã có ít nhất 11 người chết do tình trạng "ách tắc" ở những khu vực nguy hiểm nhất trên tuyến đường leo lên đỉnh núi.
Nhiều người cho rằng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự thiếu kinh nghiệm của các nhà leo núi và việc thương mại hóa các cuộc thám hiểm ngày càng gia tăng góp phần tạo ra nhiều mối nguy hiểm hơn cho những người muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới này.
“Tôi không muốn quá tin vào định mệnh và cho rằng đó chỉ là vấn đề thời gian, nhưng khi đến khu vực rất nguy hiểm mà không được kiểm soát, chắc chắn bạn sẽ gặp tai nạn”, Les Stroud - người dẫn chương trình “Survivorman” chia sẻ với CNN hôm 28/5.
Vào những tuần cuối tháng 5, rất đông người leo núi đã bị tắc nghẽn, đứng xếp hàng dài đợi lên khu cắm trại – nơi có đỉnh núi cao nhất thế giới ở độ cao hơn 8.000 mét. Hầu hết mọi người chỉ có thể ở một vài phút trên đỉnh núi trong tình hình không có thêm oxy. Khu vực có những người leo núi bị mắc kẹt được nhiều người gọi là “vùng tử thần”.
Nhà leo núi người Anh Robin Haynes Fisher đã cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng quá tải trên ngọn núi này vào ngày 19/5 - một tuần trước khi anh qua đời.
“Đây là tuyến đường duy nhất đi lên đỉnh núi, việc chậm trễ leo lên đỉnh do quá đông có thể gây tử vong, vì vậy tôi đã quyết định dời chuyến thám hiểm vào ngày 25/5 và hy vọng sẽ có ít người hơn. Trừ khi những người khác cũng quyết định lùi hành trình của họ giống tôi”, anh viết trong một bài đăng trên Instagram. Được biết, nhà leo núi này đã tử vong do chứng bệnh sốc độ cao khi trở về từ đỉnh núi vào hôm 25/5.
Thời tiết xấu
Tình trạng quá tải người leo núi được thể hiện rõ nhất trong một bức ảnh vào hôm 22/5 cho thấy một hàng dài người chen nhau trên con đường dẫn đến đỉnh núi.
Anh Alan Arnette, người đã 4 lần chinh phục đỉnh Everest, giải thích Nepal đã cấp số lượng giấy phép kỷ lục cho những người nước ngoài trong năm nay. Bởi mỗi người leo núi thường cần một hướng dẫn viên Sherpa. Có khoảng 800 người đang cố gắng leo lên đỉnh núi từ phía Nepal.
Arnette giải thích thời tiết xấu khiến cho số ngày leo núi bị rút lại ngắn hơn, chỉ còn 5 ngày. Vì vậy, có khoảng 800 người tìm cách chen lấn trên một con đường rất nhỏ.
Ông Danduraj Ghimire, Tổng giám đốc Sở Du lịch Nepal, cho biết những người leo núi mạo hiểm phải leo trên con đường rất hẹp khi thời tiết quang đãng.
“Vào ngày 22/5, sau nhiều ngày thời tiết xấu, trời hửng sáng hơn và có khoảng hơn 200 người leo lên đỉnh Everest. Nguyên nhân chính gây ra những cái chết trên đỉnh Everest là do hội chức sốc độ cao, đó là nguyên nhân chính của hầu hết những cái chết trong khi leo núi trong mùa này”, ông Ghimire chia sẻ.
Ông cho biết thêm Nepal chỉ cấp thêm một vài giấy phép leo đỉnh Everest trong năm nay so với những năm trước. Tổng cộng có 380 giấy phép được cấp, nhiều hơn 9 giấy phép so với năm 2017.
Nhà leo núi Ấn Độ Rizza Alee trở về từ trại Camp Four của Everest vì thiếu oxy, chia sẻ với Reuters về thảm kịch do tắc nghẽn trên đường leo đỉnh gây tử vong: “Hành trình chinh phục Everest đã trở thành một cuộc đua tử thần vì tình trạng tắc nghẽn. Mọi người đang tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm. Thậm chí nhiều người không có khả năng làm điều đó nhưng họ vẫn cố gắng leo lên đỉnh núi, giống như tự sát vậy”.
Thiếu kinh nghiệm
Bên cạnh những rủi ro do thời tiết xấu, một số chuyên gia leo núi cho biết số người chết trong năm nay còn có liên quan đến các vấn đề lớn hơn, như những người leo núi thiếu kinh nghiệm.
Hướng dẫn viên leo núi Adrian Ballinger nói với CNN rằng nhiều người coi Everest là "thử thách cuối cùng". Anh cho rằng: "Sự thiếu kinh nghiệm của nhiều nhà khai thác thương mại và cả những người leo núi thường dẫn đến những quyết định tồi tệ khi gặp rắc rối, gây ra những trường hợp tử vong không đáng có".
Ballinger giải thích thêm rằng những người leo núi dày dặn kinh nghiệm gọi những khu vực cao hơn 7.900m của ngọn núi là "vùng tử thần" - nơi con người thực sự không thể tồn tại ở đó.
"Ngay cả khi sử dụng bình oxy dự trữ thì chúng ta cũng chỉ có vài giờ để có thể sống sót ở đó trước khi cơ thể ngừng hoạt động. Điều đó có nghĩa là nếu bạn bị mắc kẹt ở độ cao trên 8.000m, hậu quả có thể rất nghiêm trọng", anh cho biết thêm.
Nepal hiện không yêu cầu những người muốn chinh phục Everest phải cung cấp chứng nhận về kinh nghiệm leo núi, nhưng quốc gia này đang xem xét thay đổi điều kiện.
Từ trạm nghỉ chân bên lãnh thổ Tây Tạng của Everest, nhà leo núi kỳ cựu David Morton nói: "Vấn đề chính là sự thiếu kinh nghiệm, không chỉ những người leo núi mà cả những người điều hành hỗ trợ. Công tác hậu cần cho việc chinh phục đỉnh Everest rất phức tạp, và tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều công ty chưa có kinh nghiệm điều hành cũng như những tay leo núi chưa đủ cứng".
Kể từ năm 1922, đã có trên 200 người muốn chinh phục nóc nhà thế giới đã bỏ mạng. Đa số các thi thể khác được cho là vẫn bị chôn vùi dưới sông băng và tuyết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.