Một chiếc Ford Fiesta trên đường phố Tokyo. Ford đã tháo chạy khỏi thị trường Nhật từ năm 2017. Ảnh: AP. |
Doanh số xe hơi tại Nhật năm 2018 là hơn 5,2 triệu chiếc. Tuy nhiên, trên đường phố Nhật Bản, cơ hội để phát hiện ra một chiếc xe hơi thương hiệu Mỹ gần như là bằng không. Hãn hữu lắm bạn mới có thể quan sát thấy một chiếc Jeep Wrangler. Theo Bloomberg, năm 2017 các nhà sản xuất Mỹ chỉ bán được chưa đầy 20.000 xe tại thị trường Nhật.
Ngược lại, ở Mỹ - xứ sở của Ford, General Motors và Fiat Chrysler, xe hơi Nhật là sự lựa chọn cực kỳ phổ biến. Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu (AGA) thống kê trong năm 2017, các hãng xe hơi Nhật sản xuất khoảng 3,8 triệu chiếc tại Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật lên đến 69 tỷ USD trong năm 2017, và khoảng 52 tỷ đến từ xe hơi và phụ tùng. “Các nhà sản xuất Mỹ bất lực với thị trường Nhật, thị trường xe hơi lớn thứ ba trên thế giới”, CNBC dẫn lời nhà phân tích thị trường Christopher Richter của hãng CLSA (Tokyo).
Người Nhật ưa sự tiện lợi
Nhận xét đó hoàn toàn không sai. Ford đã tháo chạy khỏi thị trường Nhật từ năm 2017. Năm 2018, GM bán được vỏn vẹn 700 chiếc tại đây. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây là điều “không công bằng”, với hàm ý Nhật bảo hộ thị trường xe hơi, hạn chế xe Mỹ. Hội đồng Chính sách xe hơi Mỹ (AAPC), đại diện của ba đại gia Ford, GM và Fiat Chrysler, cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Tuy nhiên các chuyên gia ngành công nghiệp xe hơi khẳng định vấn đề không nằm ở chuyện bảo hộ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thị hiếu và nhu cầu của khách hàng Nhật có những đặc điểm riêng mà xe hơi Mỹ không thể đáp ứng.
Các nhà sản xuất Mỹ cũng cũng không đầu tư vào hệ thống đại lý tại Nhật. Ngoài ra, người tiêu dùng khó tính của Nhật Bản vẫn giữ quan niệm (có phần cũ kỹ) rằng ôtô Mỹ không ổn định, không tiết kiệm nhiên liệu.
Xe Kei nhỏ gọn, phổ biến tại Nhật. Ảnh: CAR Magazine. |
Khoảng 40% tổng số xe được tiêu thụ tại Nhật thuộc dòng xe siêu nhỏ Kei. Và gần như tất cả xe Kei do công ty Nhật sản xuất, ví dụ như Suzuki và Daihatsu. Nhật Bản là một đất nước sôi đông dân, người lái xe thích sự tiện lợi và hiệu quả của những chiếc xe nhỏ gọn, dễ di chuyển trên những con đường hẹp và có thể đậu vừa với những chỗ bãi xe chật hẹp.
Ôtô nội địa Nhật thống trị sân nhà. Ước tính 95% xe hơi di chuyển đường phố nước này được sản xuất nội địa. Top 10 nhà sản xuất ôtô tại Nhật chỉ toàn những cái tên Nhật, từ Toyota, Honda, Suzuki cho đến Daihatsu, Nissan, Mazda…
Nhà sản xuất Mỹ bán thứ người Nhật không cần
Đến cả những đại gia ôtô lừng lẫy của châu Âu như Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen cũng đành ngậm ngùi đứng ngoài top 10. Mercedes khá nhất, bán được hơn 67.000 xe năm 2018 tại Nhật.
Volkswagen tiêu thụ được gần 52.000 chiếc, BMW gần 51.000 chiếc. Những con số này là rất nhỏ nếu so với mức tiêu thụ 1,5 triệu chiếc của Toyota, gần 750.000 chiếc của Honda hay gần 715.000 chiếc của Suzuki.
Jeep Wrangler là mẫu xe Mỹ hiếm hoi bán tốt tại Nhật. Ảnh: Forbes. |
"Nhật là một thị trường khác biệt và thị hiếu người tiêu dùng cũng rất khác", bà Kristin Dziczek, phó chủ tịch Phòng Công nghiệp, Lao động và Kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ôtô (Mỹ) nhận định. Đơn giản là các nhà sản xuất Mỹ bán cho người Nhật thứ họ không cần, nên họ không mua.
Chuyên gia Richter cho rằng rất khó để các nhà sản xuất Mỹ cạnh tranh tại Nhật nếu không tạo ra sự khác biệt cần thiết. Theo ông, chỉ duy nhất xe Jeep của Fiat Chrysler tạo ra được sự khác biệt đó ở Nhật.
Những chiếc xe Jeep mà chuyên gia Richter quan sát thấy khá nhiều lần ở Nhật Bản là Wranglers, mẫu xe biểu tượng của thương hiệu này với ngoại hình gồ ghề, đặc trưng cho phong cách sống hướng ngoại và du lịch của người Mỹ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.