Tại sao Saudi Arabia lại chọn S-400?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Ứng dụng 12/10/2017 08:37

Hợp đồng cung cấp S-400 Triumph và nhiều dòng vũ khí hiện đại khác được ký trong chuyến thăm đầu tiên của Nhà vua Saudi Arabia tới Nga

photo-1-1507641869823-0-128-541-999-crop-150764188

Tổ hợp S-400 Triumph bảo vệ căn cứ không quân Nga tại Syria.

 

Động thái này không chỉ đơn thuần đáp ứng việc nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, mà còn là bước đi chính trị để tăng cường vị thế của Saudi Arabia tại khu vực Cận Đông...

Saudi Arabia đã trở thành quốc gia tiếp theo sẽ sở hữu tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumph, đó là thông tin đã được Moscow và al Riyadh công bố ngày 9-10. Sự kiện trên đã gây chú ý đặc biệt với Washington, khi Mỹ vẫn coi Saudi Arabia là đồng minh tin cậy tại khu vực Cận Đông và al Riyadh là "khách hàng vàng" của các nhà thầu vũ khí Mỹ.

Hợp đồng cung cấp S-400 và nhiều dòng vũ khí hiện đại khác được ký trong chuyến thăm đầu tiên của Nhà vua Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud tới Nga trong đầu tháng 10-2017. Động thái này không chỉ đơn thuần đáp ứng việc nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, mà còn là bước đi chính trị để tăng cường vị thế của Saudi Arabia tại khu vực Cận Đông.

"Bước đi" có tính toán của Saudi Arabia

Đánh giá về gói hợp đồng mua vũ khí trị giá hơn 3 tỷ USD giữa Nga và Saudi Arabia, trong đó đáng kể nhất là hợp đồng đặt mua S-400, Phó giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) Nga, Konstantin Makienko nhận định, al Riyadh muốn sở hữu dòng tên lửa phòng không hiện đại của Nga vì 2 lý do chính là do sự xoay chuyển tình thế chiến trường khi Nga can dự vào cuộc nội chiến tại Syria và Nga thực sự "bắt đầu có ảnh hưởng quan trọng tới khu vực Cận Đông".

"Saudi Arabia và Nga từng có rất nhiều dự định hợp tác quốc phòng. Với các hợp đồng quân sự mới trong chuyến thăm đầu tiên tới nước Nga của Nhà vua Saudi Arabia, điều này đã trở thành hiện thực", ông K. Makienko đánh giá.

Theo lời chuyên gia này, vũ khí Nga đang có khả năng cạnh tranh rất lớn nhờ được "thử lửa" tại chiến trường Syria, trong đó có S-400. Vũ khí là một mặt hàng đặc biệt mà không chỉ được đánh giá qua các thông số kỹ thuật, mà còn là khả năng thực chiến trên chiến trường.

Cùng với đó, Saudi Arabia đang muốn tăng cường hợp tác với Nga trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị của quốc gia Cận Đông này đang có nhiều vấn đề.

"Về chính sách đối ngoại, Saudi Arabia đang sa lầy trong cuộc chiến ở Yemen, xung đột với Qatar… Nền kinh tế của quốc gia Cận Đông này cũng suy giảm nghiêm trọng do giá dầu xuống thấp", chuyên gia K. Makienko cho biết.

Nga cũng là một cường quốc xuất khẩu dầu mỏ và sự hợp tác giữa Moscow và al Riyadh sẽ có ảnh hưởng lớn tới giá dầu thế giới. Mặt khác, Saudi Arabia cũng muốn có sự ủng hộ của Nga trong nhiều vấn đề khu vực và thế giới khác. Đây là một trong nhiều nguyên nhân Saudi Arabia quyết tâm mua vũ khí Nga.

"Saudi Arabia đã sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Mỹ từ đầu những năm 1990. Từ thời điểm đó tới nay, cứ 3-4 năm, al Riyadh lại có hợp đồng tỷ đô với phía Mỹ. Rõ ràng, Saudi Arabia mua vũ khí chỉ là việc nhỏ, cái al Riyadh cần là việc được cường quốc đảm bảo về an ninh quốc gia", chuyên gia K. Makienko nhấn mạnh.

Trong khi đó, tổng biên tập Tạp chí National Defense của Nga, ông Igor Korotchenko lại tỏ ra hoài nghi về hợp đồng cung cấp vũ khí Saudi Arabia, khi hai bên từng có tiền lệ xấu trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Trong quá khứ, Nga và Saudi Arabia từng có thỏa thuận trị giá tới 20 tỷ USD trong lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ khi chịu sức ép từ phía Mỹ và phương Tây. Theo lời ông I. Korotchenko, hợp đồng với Saudi Arabia chỉ có thể chắc chắn khi al Riyadh thanh toán trước.

Saudi Arabia đang sử dụng các tổ hợp PAC-3 Patriot do Mỹ chế tạo.

Đánh giá về tổ hợp S-400 so với các tổ hợp Patriot Saudi Arabia đang sử dụng, ông I. Korotchenko nhấn mạnh, tổ hợp vũ khí phòng không của Nga vượt trội hơn so với sản phẩm của Mỹ.

"S-400 thực sự là tổ hợp vũ khí phòng không tầm trung, xa tốt nhất trên thị trường thế giới hiện nay và chưa có sản phẩm nào khác có tính năng tương đương. Ngay cả phiên bản mới nhất của tổ hợp Patriot là PAC-3 cũng không thể so sánh được với S-400.

Theo quan điểm của tôi, đây chính là lý do quan trọng khiến Saudi Arabia chọn vũ khí phòng không Nga", chuyên gia I. Korotchenko nhận định.

Đối thủ cạnh tranh của Mỹ tại Cận Đông

Việc các đối tác đồng minh Cận Đông lựa chọn vũ khí Nga đang là vấn đề khiến Mỹ phải để tâm, đó là lời khẳng định của phát ngôn viên Lầu Năm góc, Michelle Baldanza.

"Chúng tôi đang rất quan tâm tới việc nhiều quốc gia đồng minh đặt mua tổ hợp S-400. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về khả năng kết nối giữa hệ thống vũ khí Mỹ với các quốc gia đồng minh tại Cận Đông.

Việc mua sắm vũ khí, trang bị đồng chuẩn là cần thiết để đảm bảo khả năng đối phó với các mối đe dọa chung", bà M. Baldanza phát biểu. Phát ngôn viên Lầu Năm góc khẳng định, Mỹ và Saudi Arabia có mối liên hệ mật thiết trong việc mua sắm trang bị quốc phòng.

Trong khi đó, Thượng tướng Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện phụ trách các vấn đề Địa chính trị toàn cầu Nga, lại có cách nhìn khác. Saudi Arabia muốn hợp tác với Nga vì Moscow có thể giúp al Riyadh giải quyết nhiều vấn đề ở khu vực Cận Đông, cũng như lợi thế rõ ràng của vũ khí Nga.

Infographic của tổ hợp S-400 Triumph. Ảnh: sputnik

"Họ cần loại vũ khí phòng không có sức mạnh răn đe mạnh như S-400. Vũ khí này sẽ làm chùn tay bất kỳ kẻ nào muốn tấn công họ", tướng L. Ivashov đánh giá.

Cùng với Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, cũng đang đàm phán với phía Nga về khả năng đặt mua tổ hợp S-400. Cùng phản ứng, Mỹ khẳng định, S-400 không thể tương tác với hệ thống phòng không chung của NATO.

"Cách tốt nhất để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các mối đe dọa là chọn lựa tổ hợp tên lửa có khả năng tương thích với hệ thống phòng không chung của NATO", đại diện Lầu Năm góc, Johnny Michael nhấn mạnh hồi tháng 9-2017.

Rõ ràng, việc Nga bước chân vào thị trường vũ khí béo bở ở vùng Cận Đông, nơi từ trước tới nay vốn là "gà đẻ trứng vàng" với các nhà thầu vũ khí Mỹ là điều khó chấp nhận. Chắc chắn Washington sẽ có những bước đi can thiệp, nhưng hiệu quả của nó tới đâu sẽ vẫn phải chờ câu trả lời trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận