Tại sao xe Trung Quốc luôn muốn thâm nhập thị trường Việt Nam |
Trong suốt nhiều năm, thị trường xe Việt đã mở rộng cửa đón không ít thương hiệu xe lớn nhỏ. Phần lớn những thương hiệu này vẫn còn có mặt trên thị trường trong đó có những tên tuổi đã trở thành “cá mập” thật sự. Trong thời gian đó, cũng có không ít những thương hiệu xe Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt theo nhiều hình thức, liên doanh có, nhập khẩu chính hãng có mà tư nhân cũng chẳng thiếu.
Thế nhưng mà, chẳng được mấy năm những thương hiệu này cũng lần lượt rũ áo ra đi không lời từ biệt. Nguyên nhân xe Trung Quốc thất bại tại Việt Nam thì đã nói nhiều nhưng chủ yếu tập trung ở 3 yếu tố: Thương hiệu, chất lượng, sau bán hàng. Đó chính là lý do khiến xe từ người “hàng xóm” dù rẻ hơn nhiều, bằng 2/3 các thương hiệu lớn nhưng vẫn không thể gặt hái thành công tại thị trường Việt, càng kinh doanh lâu càng bộc lộ điểm yếu về chất lượng, hậu mãi và giá trị bán lại.
Đã có nhiều thương hiệu xe Trung Quốc đến rồi... đi rồi lại đến
Dù ở hiện tại, những thương hiệu xe Trung Quốc kinh doanh tại Việt Nam cũng không còn nhiều như trước nhưng không hẳn là không có. Gần đây là BAIC và mới nhất hẳn là DongFeng Motors. Trong khi BAIC gần như sắp mất dấu trên thị trường thì DongFeng là cái tên hoàn toàn mới trong mảng xe du lịch. Vậy tại sao dù thị trường Việt gần như đóng cửa với xe du lịch nhập từ Trung Quốc nhưng các hãng xe “hàng xóm” vẫn muốn tham chiến?
Lý do đầu tiên không thể bỏ qua chính là tiềm năng của thị trường xe Việt. Theo thống kê, dân số Việt Nam hiện hơn 95 triệu người, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 14 trên toàn thế giới. Tỷ lệ dân số trẻ cao khi độ tuổi trung bình ở mức 30,8 tuổi cùng với nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, xe hai bánh bão hòa và nhu cầu lên đời 4 bánh rất lớn.
Thị trường xe Việt có nhiều yếu tố để bùng nổ trong tương lai
Đó là chưa kể thống kê từ công ty tư vấn chiến lược Solidiance cho thấy, hiện tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam chỉ dừng ở 16 xe/1000 dân, ít hơn nhiều so với con số 341 xe ở Malaysia hay 196 xe tại Thái lan. Ngay tại Trung Quốc, tỷ lệ dân sở hữu ô tô cũng cao hơn với 120 xe trong khi Mỹ là 800 xe/1000 dân. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng trong phân khúc xe du lịch của Việt Nam cũng rất cao, trung bình từ 20-30% trong khi những thị trường trong khu vực đang có xu hướng giảm từ 1 tới 2 con số.
Bên cạnh yếu tố thị trường, địa lý cũng là lý do quan trọng khiến các hãng xe Trung Quốc không ngừng theo đuổi thị trường Việt Nam. Đại diện thương hiệu DongFeng từng chia sẻ với PV tại triển lãm ô tô Quốc tế Việt Nam 2017 (VIMS 2017) rằng, dù không được ưu đãi nhiều về thuế như xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN nhưng với vai trò “hàng xóm”, Việt Nam có lợi thế rất lớn trong khâu vận chuyển cả về đường bộ lẫn đường thủy cũng như rút ngắn thời gian nhập khẩu phụ tùng thay thế khi cần thiết. Từ đó, nhà sản xuất có thể tiết kiệm đáng kể chi phí lẫn thời gian vận chuyển giúp giảm giá thành.
Tất nhiên, bên cạnh yếu tố thị trường, địa lý, cơn khát xe hơi giá rẻ của người Việt cũng là yếu tố các hãng xe Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, ngoài yếu tố giá cả người Việt cũng rất quan tâm tới thương hiệu, chất lượng và giá trị bán lại. Chính vì vậy, để có thể chinh phục thị trường, xe Trung Quốc cần có chiến lược đầu tư bài bản, dài hơi hơn trong việc quảng bá thương hiệu và cung cấp những sản phẩm chất lượng thay vì manh mún, “ăn xổi ở thì” như hiện nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.