Chị Hồng Nga mong rằng qua việc hiến tạng để cứu giúp người khác, em trai vẫn luôn hiện diện đâu đó trong cuộc đời này. Ảnh: Lê Phương. |
Hơn một tháng sau ngày em trai qua đời, chị Hồng Nga vẫn chưa thể chấp nhận mất mát quá lớn. Cả gia đình vẫn không tin vào sự thật em trai ra đi quá nhanh khi tuổi còn trẻ. "Nhưng cuộc sống có những điều dù không muốn cũng phải đối diện, có những tình huống buộc mình phải quyết định thật nhanh và sáng suốt để không hối hận về sau", chị Nga trải lòng về giây phút quyết định hiến tạng em trai.
Ngày 28/5, em trai chị Nga chạy xe ôm đưa khách từ TP HCM về Bình Dương. Sau khi trả khách, trên đường quay trở lại TP HCM thì anh tự ngã, chấn thương đầu, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi cả gia đình bối rối, bác sĩ cho biết em trai khó qua khỏi, chị Nga chợt nghĩ đến việc hiến tạng em để giúp những cuộc đời kém may mắn khác. Sau khi bàn bạc và được sự nhất trí của cả nhà, chị trình bày ý nguyện với bác sĩ.
"Lúc em còn sống gia đình chúng tôi chưa nghĩ đến nghĩa cử như thế này, nhưng trong giờ phút biết em ấy phải ra đi, chúng tôi mong rằng thông qua việc hiến tạng, em vẫn luôn hiện diện đâu đó trong cuộc đời", chị Nga chia sẻ.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối Ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân được tiên lượng chết não nhưng cuối cùng lại diễn tiến ngưng tim. Thông thường bệnh nhân chết não sẽ không có khả năng cứu sống, dưới sự hỗ trợ của máy móc, thuốc men có thể kéo dài tình trạng được vài ngày rồi ngừng đập. Trong khoảng thời gian này, tạng hiến được ghép có tỷ lệ thành công cao.
Ngược lại trường hợp không chết não mà ngưng tim sẽ không thể có nhiều thời gian chuẩn bị như bệnh nhân chết não, mọi khâu bắt buộc phải gấp rút hơn. "Các bác sĩ không thể giết người để cứu người khác nên phải chuẩn bị các ê kíp sẵn sàng, đợi bệnh nhân bắt đầu ngừng tim mới lấy tạng", bác sĩ Thu chia sẻ.
Trong vòng 12 phút sau khi bệnh nhân qua đời, các bác sĩ đã lấy thành công hai quả thận và bảo quản trong thời gian lọc danh sách chờ ghép để chọn ra hai người nhận tạng phù hợp nhất. "Mỗi trường hợp nhận ghép tạng là một lần chúng tôi phải tập trung tối đa lực lượng, cố gắng không thất bại để khỏi phụ lòng người đã hiến, không thất hứa với gia đình người có tâm nguyện hiến tạng cũng như vì sinh mạng của bệnh nhân chờ nhận tạng", bác sĩ Thu cho biết.
Giáo sư Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu Thận học TP HCM cho biết đây là trường hợp thứ 4 ghép thận từ người cho tim ngừng đập tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như của Việt Nam. Phương pháp này gặp nhiều khó khăn hơn so với phương pháp ghép thận từ người cho sống hay ghép thận từ người cho chết não. Tuy nhiên thành quả của kỹ thuật ghép từ người cho tim ngừng đập giúp người bệnh có thêm nguồn nhận tạng hiến, mở ra cơ hội sống cho rất nhiều người bệnh đang trong tình trạng suy thận giai đoạn cuối.
Phút mặc niệm người hiến thận ngày 25/5 của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Trước đó ngày 25/5, cụ ông 68 tuổi Phùng Văn Hưng ở Định Quán, Đồng Nai bị tai biến mạch máu não, cũng được con cháu gọi điện đến Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày ý nguyện hiến tạng. Con trai ông Hưng cho biết cả đời cha làm từ thiện rất nhiều, thường xuyên vận động bạn bè giúp đỡ những người dân nghèo trên sông La Ngà chết không có quan tài, không có đất chôn. Khi còn sống, ông Hưng nhiều lần dặn dò con cháu phải thực hiến di nguyện hiến tạng, hiến xác khi ông qua đời.
"Bố tôi đăng ký hiến xác cách đây 10 năm, đăng ký hiến tạng đầu năm nay. Trường y cho biết sẽ không nhận xác của người đã hiến tạng. Chỉ được chọn một trong hai nên chúng tôi đã bàn bạc và đi đến quyết định hiến tạng bố cứu người, sau đó đưa thi thể về mai táng", con trai ông Hưng chia sẻ. Ông Hưng cũng là trường hợp người ngừng tim hiến tạng nên chỉ hiến được hai quả thận và giác mạc.
Ca ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên Việt Nam diễn ra ngày 19/6/2015 tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi một bệnh nhân đột quỵ được gia đình đồng ý hiến hai thận, cứu sống hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nguồn thận hiến ở người ngưng tim không thể tốt như trường hợp người chết não nhưng phương pháp này đã giúp tận dụng hiệu quả nguồn thận hiến trong bối cảnh thiếu hụt như hiện nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.