TS Christine Carter, nhà xã hội học và chuyên gia ở Đại học California ở Barkeley (Mỹ), có bài viết trên tạp chí Parents nhằm chỉ ra những cách phụ huynh nên áp dụng để truyền cảm hứng, tạo thói quen làm việc nhà cho con thay vì bắt ép chúng.
1. Làm việc theo nhóm
Một cách đơn giản và hiệu quả để khuyến khích trẻ làm việc nhà là hãy làm cùng nhau bởi tinh thần của trẻ sẽ không bao giờ bị tổn thương khi thấy bố mẹ cùng vào chiến hào với chúng.
Bạn hãy mở những bản nhạc mà con yêu thích và biến ngày cuối tuần trở thành một bữa tiệc "khiêu vũ việc nhà" vui vẻ. Đừng sợ trẻ không làm nên chuyện vì bạn cũng có mặt ở đó để làm mẫu và hướng dẫn giúp chúng thực hiện đúng.
2. Hãy tạo một video quảng cáo
Bạn có thể cùng con quay lại cảnh mọi người làm việc nhà và cho các con thay phiên nhau làm người quay phim. Giải thích cho con thế nào là video mang tính quảng cáo, đưa ra một danh hiệu như "chiến sỹ lau kính sạch nhất thế giới" và sau đó hướng dẫn con thực hiện sao cho có nhiều cảnh "hành động" thể hiện được sức mạnh của việc lau chùi. Chắc chắn, trẻ nhỏ sẽ thích thú và hưởng ứng.
3. Tạo ra vận may và sự bất ngờ
Đối với những đứa trẻ yêu thích sự bất ngờ, bạn có thể viết các công việc nhà lên những que kem hay mẩu giấy và cho các con bắt thăm chọn lấy một. Hai đứa trẻ trong nhà có thể đổi nhiệm vụ với nhau nhưng chỉ khi cả hai cùng đồng ý.
Nếu muốn, bạn có thể sơn các que kem hay tô mẩu giấy với những màu sắc khác nhau tương ứng với màu của phòng cần dọn dẹp hoặc với một công việc do bạn tự quy định. Ví dụ, màu xanh lá cây = lau nhà bếp, màu hồng = lau cửa kính. Như vậy trẻ sẽ cảm thấy được tự do lựa chọn thứ chúng yêu thích.
4. Biến lúc làm việc nhà thành khoảng thời gian chơi đùa vui vẻ
Điều này không có nghĩa là bỏ bê việc nhà, để trẻ nghịch phá các phòng mà là biến thời gian làm việc nhà trở nên vui vẻ, thoải mái.
Chẳng hạn, bạn có thể biến thời gian làm bếp trở thành bữa tiệc khiêu vũ. Hãy chỉ định một trẻ làm đầu bếp và đứa còn lại làm DJ. Đầu bếp sẽ chọn những gì bé muốn giúp đỡ bố mẹ làm cho bữa tối như salad hay khoai tây nghiền. Còn DJ được chọn những giai điệu, bài hát mà bé yêu thích để mở ra cho cả nhà cũng nhảy hay hát theo trong lúc chuẩn bị bữa ăn và rửa bát.
Một số trò chơi khác cũng có thể áp dụng như giả vờ làm robot hay nhân vật trong một bộ phim yêu thích nào đó khi giặt quần áo, cho trẻ hát luân phiên thật to một bài hát khi dọn phòng...
5. Cho con trải nghiệm những nhiệm vụ khó khăn hơn
Một số người được khuyên thưởng cho trẻ những hình dán (sticker) khi chúng hoàn thành việc nhà. Trẻ có vẻ sẽ thích phần thưởng này nhưng thực tế chúng không có tác dụng lâu dài. Vì vậy, thay vì dùng phần thưởng, bạn hãy cho con trải nghiệm những thử thách với mức độ khó tăng dần để tránh nhàm chán.
Ví dụ, nếu như con đã quen với việc giúp bạn lau dọn chuồng của thú nuôi, hãy yêu cầu chúng tự dọn một mình. Và khi con đã làm được điều đó thì bạn lại yêu cầu chúng làm thật nhanh và thật sạch. Với công việc làm vườn, sau khi trẻ có thể nhổ cỏ, bạn có thể đề nghị con trồng cây hay cào đất và nhớ rằng việc chúng đổ mồ hôi không phải chuyện nghiêm trọng.
6. Thay đổi thói quen để tránh nhàm chán
Hãy để những đứa trẻ thay phiên nhau lên kế hoạch cho bữa tối và nấu bữa tối ít nhất một lần trong tuần. Tuy nhiên, bạn cũng nên khuyến khích trẻ không nấu một món hai lần trong cùng một tháng. Điều này giúp con linh hoạt, khéo léo hơn trong việc đưa ra kế hoạch và tổ chức các bữa ăn, đồng thời cũng biến thời gian nấu nướng trở thành hoạt động thú vị.
Ngoài ra, để kích thích sự sáng tạo, bạn có thể cho phép con tạo ra những món ăn mới lạ với sự pha chế khác thường nào đó, miễn là chúng được làm từ những nguyên liệu thông thường và có thể ăn được.
Với hoạt động dọn phòng, thay vì tự dọn dẹp chính căn phòng của mình, bạn yêu cầu con lau chùi góc học tập của anh, chị hay phòng làm việc của bố mẹ. Chắc chắn, trẻ sẽ bớt nhàm chán hơn.
7. Động viên mỗi khi con làm tốt
Khi những đứa trẻ được phép tham gia vào một việc gì đó lớn hơn bản thân chúng, trẻ sẽ dần hình thành mục đích sống. Nhiều đứa trẻ có thể thể hiện sự không thích hoặc không muốn động tay vào những việc vặt trong nhà nhưng từ bên trong, chúng vẫn cảm thấy mình quan trọng và có mối quan hệ thân thiết với các thành viên khác trong gia đình.
Vì vậy, bạn hãy ngợi khen và động viên con bằng những câu đơn giản như "Cảm ơn con đã giúp mẹ. Cả nhà chúng ta là một đội tuyệt vơi". Đồng thời, hãy đập tay với con bất cứ khi nào chúng hoàn thành tốt một nhiệm vụ.
8. Cho phép con tự quản
Sự áp đặt không thúc đẩy trẻ. Vì thế, bạn hãy để con được phát huy ý thức tự lực và tự đảm bảo của chúng. Thay vì dùng những ngôn ngữ dạng ra lệnh, kiểm soát, việc sử dụng những từ ngữ, gợi ý nhẹ nhàng sẽ có tác dụng hơn. Ví dụ, bạn có thể nói "Sẽ cực kỳ hữu ích nếu con ... (làm việc gì đó)", hay "Nhìn này, 5h rồi đó, đã đến giờ chúng ta cho mèo ăn".
Bạn cũng có thể sử dụng cách nói ngợi khen để con cảm thấy tự tin hơn hoặc nói làm sao để trẻ cảm thấy mình được tự quản. Khi đó, con sẽ có động lực để tự giác thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ từ đầu đến cuối.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.