Trạm thu phí Tào Xuyên. (Ảnh nguồn internet) |
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, thời gian tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Trạm thu giá Tào Xuyên Km286+397 (đoạn qua Dốc Xây) QL1A kể từ 0 giờ 00 ngày 10/8/2017 cho đến khi hoàn thành công tác đàm phán, điều chỉnh mức lợi nhuận của Dự án BOT xây dựng QL1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm thông báo công khai việc tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm thu. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thu, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong quá trình chuẩn bị dừng thu tại trạm. Sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động khi tạm dừng thu. Tổ chức trông coi, bảo vệ tài sản trạm thu giá tránh mất mát, hư hỏng tài sản, thiết bị; có biện pháp đảm bảo ATGT khu vực trạm thu giá sau khi dừng thu. Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn.
Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN giao Cục QLĐB II, Vụ Pháp chế - Thanh tra giám sát việc tạm dừng thu tại Trạm thu giá Tào Xuyên theo quy định.
Được biết, theo Hợp đồng và các phụ lục Hợp đồng Dự án giữa Tổng cục ĐBVN và Nhà đầu tư: Tổng mức đầu tư của dự án 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm.
Trong thời gian thu giá, quyết toán chi phí đầu tư và rà soát lại Hợp đồng dự án, một số chỉ tiêu tính phương án tài chính thay đổi, cụ thể: Tổng vốn đầu tư của dự án giảm 36 tỷ đồng, từ 822 tỷ đồng xuống 786 tỷ đồng, trong đó: vốn nhà đầu tư là: 156 tỷ đồng, vốn vay 489 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 141 tỷ đồng. Lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm thu giá tăng cao hơn so với dự kiến tại hợp đồng dự án vì lý do: di dời vị trí Trạm thu phí từ Tào Xuyên đến Dốc Xây là khu vực có lưu lượng xe cao hơn so với vị trí cũ; sự tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội những năm gần đây; tuyến cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh dự kiến đi vào khai thác năm 2017, phân lưu xe qua trạm thu phí giảm còn 40% (chưa thực hiện); tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình đi vào khai thác, đồng thời tuyến QL 1 Thanh Hóa - Vinh được mở rộng, tạo điều kiện giao thông dễ dàng, thu hút lượng xe lớn lưu thông qua trạm thu giá của dự án. Phương án tài chính của Phụ lục Hợp đồng số 3/38-CĐBVN/HĐ/2008 tính trùng lãi phần vốn BOT.
Những chỉ tiêu đầu vào để tính phương án tài chính thay đổi dẫn đến thời gian thu hoàn vốn của dự án giảm xuống còn 7 năm 2 tháng. Thời gian thu hoàn vốn của dự án từ 27 năm 8 tháng giảm xuống còn 7 năm 2 tháng, thời điểm thu tạo lợi nhuận của Nhà đầu tư sớm hơn dự kiến 20 năm. Do đó, việc giữ nguyên thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 03 năm như hợp đồng ban đầu là chưa hợp lý.
Trước đó, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN đàm phán với Nhà đầu tư điều chỉnh mức lợi nhuận. Theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN tại văn bản số 4643/TCĐBVN-TC ngày 31/7/2017, sau nhiều vòng đàm phán, các bên chưa thống nhất mức lợi nhuận của dự án. Theo Phụ lục hợp đồng dự án, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án kết thúc. Tính đến ngày 31/7/2017, Nhà đầu tư đã thu tạo lợi nhuận được hơn 1 năm. Số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đến hết 31/7/2017 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận của nhà đầu tư Tổng cục ĐBVN đã đưa ra.
Vì những lý do trên, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục ĐBVN tạm dừng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Tào Xuyên từ 0 giờ 00 phút ngày 10 tháng 8 năm 2017 để tiếp tục đàm phán và xử lý theo quy định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.