Tạm dừng tuyến buýt Quảng Ngãi - Thạch Nham, Sở GTVT Quảng Ngãi nói gì?

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 12/07/2022 18:06

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất cho phép tạm dừng khai thác tuyến buýt số 7 (Quảng Ngãi-Thạch Nham) từ ngày 20/7/2022.

 

Lượng khách đi xe buýt trên một số tuyến ở Quảng Ngãi giảm mạnh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện

Lượng khách đi xe buýt trên một số tuyến ở Quảng Ngãi giảm mạnh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện

Ngày 12/7, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi thông tin, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản thống nhất cho phép tạm dừng khai thác tuyến buýt số 07 (TP. Quảng Ngãi – Thạch Nham) từ ngày 20/7/2022.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở GTVT Quảng Ngãi có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tạm dừng hoạt động tuyến xe buýt nêu trên để hành khách biết, chủ động sắp xếp.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao Sở Tài chính Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp Sở GTVT hướng dẫn các đơn vị khai thác dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt lập thủ tục quyết toán kinh phí hỗ trợ hoạt động xe buýt hàng tháng theo Quyết định số 711/QĐ- UBND ngày 2/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2025, Sở GTVT Quảng Ngãi đã phối hợp với Công ty TNHH Mai Linh Quảng Ngãi và Công ty Cổ phần bến xe Quảng Ngãi đưa vào khai thác 11 tuyến xe buýt, trong đó có 9 tuyến nội tỉnh, 1 tuyến nội đô và 1 tuyến liền kề (Quảng Ngãi – sân bay Chu Lai và ngược lại).

Hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt ra đời đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là đối với loại hình phương tiện cá nhân bằng xe gắn máy, xe mô tô trên địa bàn các huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ, nơi có tuyến xe buýt đi qua. Xe buýt đã mang đến dịch vụ văn minh, an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý, được người dân tin tưởng sử dụng. Bên cạnh đó, VTHKCC bằng xe buýt còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông, khí thải ra môi trường.

Theo ông Phong, đến nay, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặc dù hoạt động vận tải bằng xe buýt chưa mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư về mặt tài chính nhưng với sự động viên, khuyến khích, các chính sách ưu đãi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã góp phần duy trì hoạt động VTHKCC bằng xe buýt được ổn định.

Ông Phong thông tin, theo báo cáo của Công ty TNHH Mai Linh Quảng Ngãi về tình hình hoạt động xe buýt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi quy luật, thói quen sử dụng VTHKCC bằng xe buýt đã hình thành trong nhiều năm qua, người dân thay đổi phương thức, cách thức làm việc, sử dụng các phương tiện cá nhân để hạn chế tiếp xúc nhằm phòng chống dịch bệnh khi di chuyển.

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát nhưng lượng hành khách thường xuyên đi lại hàng ngày giữa thành phố Quảng Ngãi và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh bằng xe buýt không còn nhiều. Người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi đi lại bằng phương tiện công cộng, dẫn đến hệ số chạy rỗng của phương tiện rất cao, một số tuyến gần như không có hành khách. 

Trước những khó khăn của đơn vị đầu tư vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT Quảng Ngãi đã đề xuất, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Trước những khó khăn của đơn vị đầu tư vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT Quảng Ngãi đã đề xuất, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, giá nhiên liệu (dầu diezen) tăng cao, trong khi chi phí nhiên liệu chiếm trung bình khoảng 45% trong tổng chi phí hoạt động của mỗi chuyến xe làm cho doanh thu của các tuyến xe buýt không đủ bù đắp chi phí.

Bên cạnh đó, các chi phí khác đồng loạt tăng hoặc phát sinh thêm như: Chi phí sửa chữa phương tiện, chi phí lắp đặt camera trên xe buýt, chi phí hóa đơn điện tử, chi phí lương tối thiểu vùng… Các nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng lỗ kéo dài và gia tăng qua hàng năm cho các đơn vị VTHKCC bằng xe buýt.

Ông Phong cho biết thêm, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp VTHKCC bằng xe buýt, Sở GTVT Quảng Ngãi đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi một số giải pháp nhằm phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 

Cụ thể, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét thống nhất cho phép tạm dừng khai thác tuyến buýt số 07 (TP.Quảng Ngãi – Thạch Nham) kể từ ngày 20/7/2022, do tỷ lệ hành khách đi xe buýt rất thấp và điều chuyển phương tiện sang các tuyến khác để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng.

Cùng với đó, cho phép các đơn vị khai thác dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt quyết toán kinh phí hỗ trợ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt theo tháng (kết thúc tháng sẽ trình hồ sơ quyết toán) để có dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt với trung bình 300 triệu đồng/tháng.

Ý kiến của bạn

Bình luận