Hành trình của Uber vẫn tiếp tục
Xuất hiện trên bục diễn thuyết tại sự kiện Uber chính thức khai trương Greenlight Hub - Trung tâm hỗ trợ đối tác lớn nhất tại Việt Nam sáng 19/10, Tom White bắt đầu bằng một câu tiếng Việt: Xin chào quý vị!
Người đàn ông cao lớn, tóc vàng nhạt, mặc chiếc vest xanh, quần jean mỉm cười trước toàn thể khách mời tại sự kiện được đánh giá là cột mốc quan trọng của Uber Việt Nam. Bởi lẽ, từ những ngày đầu gặp gỡ, hỗ trợ tài xế ở quán cà phê, đến nay, những quán nhỏ ấy đã không còn đủ sức tiếp đón những đối tác này, theo Tom.
“Chúng tôi dần chuyển sang không gian lớn hơn, từ một địa điểm duy nhất thành ba cơ sở trải rộng trên khắp Thủ đô, nhưng đó là chưa đủ”, Tom nói.
Tại Greenlight, Uber nghiên cứu để cải thiện quy trình làm việc và đề xuất thêm tính năng hỗ trợ, nâng cao chất lượng và trải nghiệm của tài xế, ví dụ như tính năng cho phép tài xế đặt lịch hẹn từ trước và giảm thời gian chờ đợi chuẩn bị ra mắt. Trung tâm này cũng có địa điểm dành cho tài xế, ngay tầng 1 – tiện cho việc tìm kiếm
“Hành trình của Uber vẫn đang và sẽ tiếp tục”, Tom nhấn mạnh thông điệp của mình, ngay trong bối cảnh Uber Việt Nam đang đối diện với rất nhiều tin không vui kể từ hồi đầu năm đến nay.
Tân CEO lão luyện về... chính trị
Sau lễ khai trương Greenlight Hub, Báo Trí Thức Trẻ đã cuộc phỏng vấn với Tom White về lý do ông được bổ nhiệm vào vị trí CEO Uber Việt Nam thay thế cho người tiền nhiệm Đặng Việt Dũng.
“Tôi nghĩ Uber chọn mình vì những kinh nghiệm đã có tại thị trường Úc”, Tom nói.
Theo đó, đến cuối năm 2017, Tom đã có gần 3 năm làm việc cho Uber. Trước khi đến Việt Nam, Tom từng là thành viên then chốt trong đội ngũ lành đạo Uber, ông chịu trách nhiệm mảng phát triển kinh doanh và vận hành Uber tại Úc vốn khởi sự từ con số 0, tại khắp các thành phố lớn, bao gồm Perth, Adelaide và Melbourne.
Ngoài ra, Tom tự tin cho biết bản thân có trải nghiệm làm việc với Chính phủ Úc. Hồ sơ cá nhân của Tom cho thấy ông từng giữ vị trí Cố vấn Cao cấp cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Tây Úc. Ngoài ra, ông đồng thời là Chủ tịch Phong trào Tự do Thanh niên năm 2013.
“Từ ngày đầu đến hôm nay, Chính phủ Úc đã rất chào đón Uber. Tôi cảm thấy những trải nghiệm của tôi cũng như sự phát triển của Uber tại Úc đã khiến tôi được chọn đến Việt Nam”, Tom nói.
Chia sẻ thêm, tân CEO của Uber Việt Nam cho biết bản thân ông đã từng đến Đông Nam Á nhiều lần và có thời gian sống ở đây. Ông cũng từng có dịp trải nghiệm giao thông, văn hoá, môi trường ở Thái Lan, Việt Nam qua những lần du lịch.
Quan trọng hơn, như ông nói, khi đặt bước chân đầu tiên đến Việt Nam, ông nhận ra người dân ở đất nước 90 triệu dân này rất đam mê kinh doanh và ưa thích công nghệ. Chính bởi điều đó, ông mong rằng những trải nghiệm của mình ở Úc có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực cho người dùng, đối tác tại Việt Nam.
“Chiến lược của Uber Việt Nam sắp tới là gì, sau 1 năm không mấy vui vẻ khi vướng vào những rắc rối thuế, tin đồn ngừng hoạt động, phản ứng tiêu cực của các hãng taxi hay xe ôm truyền thống?”.
Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Tom White dành khá nhiều từ tốt đẹp cảm ơn người tiền nhiệm Đặng Việt Dũng. Ông nói rằng những gì Dũng làm được sau 3 năm là rất tuyệt vời với hơn 4 triệu lượt download ứng dụng, hàng nghìn đối tác từ con số 0.
“Mục đích của tôi là xây dựng chương tiếp theo cho Uber”, Tom nói.
“Mọi chỉ trích, mọi sự không thoải mái vì Uber có mặt ở Việt Nam chúng tôi sẽ không để bản thân bị ảnh hưởng. Chúng tôi chỉ tập trung kinh doanh, mang đến trải nghiệm cho khách hàng, đối tác”, Tom khẳng định.
Tân CEO Uber Việt Nam cũng thừa nhận cấu trúc cách làm việc của Chính phủ Úc và Việt Nam rất khác nhau nhưng ông cho biết bản thân là một cánh cửa luôn mở, sẵn sàng đàm thoại và học hỏi ở thị trường mà mình vừa tiếp nhận. Ông cho biết dù mới đến Việt Nam nhưng ông đã có những cuộc làm việc liên tục với phía Chính phủ cùng nhiều cơ quan ban ngành để có hướng đi phù hợp về chính sách cho Uber.
CEO Uber cũng rất tự tin khi nói rằng sự thay đổi đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, điểm chung của nó chính là vì lợi ích mang lại cho người dùng, xã hội và nền kinh tế không mấy khác biệt ở bất cứ quốc gia nào.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.