Tần suất chuyến bay 4 giai đoạn khôi phục lại hàng không

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 04/10/2021 06:12

Theo kế hoạch khôi phục vận tải hàng không tạm thời vừa được Bộ GTVT ban hành, tần suất khai thác của hàng không sẽ chia thành 4 giai đoạn.


Nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, ngày 30/9 vừa qua, Bộ GTVT đã đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó, hàng không sẽ mở cửa đón khách trở lại với yêu cầu kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt cả ở mặt đất và trên tàu bay.

vận tải hàng không
Các tàu bay phải đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 như: phải được trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; phải được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến bay

Nguyên tắc tối thượng: Tuân thủ “Thông điệp 5K”

Theo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện (tổ bay) và nhân viên hàng không khác tham gia dây chuyền phục vụ chuyến bay, phương tiện vận tải, cảng hàng không, sân bay, bãi đáp mặt nước cho thủy phi cơ phải đáp ứng các yêu cầu tại Hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1654/QĐ-BGTVT ngày 09/9/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Các đơn vị kinh doanh vận tải hàng không được phép hoạt động là các hãng hàng không đang có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc Giấy phép kinh doanh hàng không chung do Bộ GTVT cấp theo quy định; Giấy chứng nhận người khai thác do Cục Hàng không Việt Nam cấp còn hiệu lực theo quy định của Bộ GTVT về quy chế an toàn hàng không. Các đơn vị phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Hướng dẫn nêu rõ, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện (tổ bay) phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, những đối tượng này phải xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi: có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan; tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (Cấp 2) và nguy cơ cao (Cấp 3): phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần); tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (Cấp 4): phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72h (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.

Tổ bay phải bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển; vệ sinh, khử khuẩn đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều của phương tiện như tay nắm cửa, ghế ngồi... sau mỗi chuyến đi.

Đối với nhân viên hàng không khác tham gia dây chuyền phục vụ chuyến bay có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách cần tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan; tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (Cấp 2) và nguy cơ cao (Cấp 3): phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần); không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.

Theo Hướng dẫn, các tàu bay của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung đang được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép phải đảm bảo năng lực khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa được giám sát theo Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được Cục Hàng không Việt Nam cấp. Mặt khác, các tàu bay phải đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 như: phải được trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; phải được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến bay.

Tại cảng hàng không, sân bay, bãi đáp mặt nước cho thủy phi cơ được khai thác quy định phải xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra, vào cảng hàng không bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các cảng, sân bay phải bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; tổ chức điểm xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng; bố trí khu vực bán vé, phòng chờ, nơi hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Trong trường hợp phát hiện nhân viên hàng không, hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý.

Ngoài các hoạt động chuyên môn, các cảng, sân bay cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực công cộng; yêu cầu hành khách thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại khoản 3 mục I phần 2 của Hướng dẫn này; niêm yết số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng địa phương để thông tin khi có vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

hành không
Căn cứ tình hình thực tế, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có sự điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp

4 giai đoạn khai thác để phục hồi và tăng trưởng

Để dần khôi phục hoạt động vận tải hàng không, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19, tần suất khai thác sẽ được chia thành 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng Hướng dẫn tạm thời này): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): Được khai thác trở lại bình thường.

Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2, các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.

Căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không, sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam sẽ quyết định điều chỉnh tần suất khai thác theo các giai đoạn cho phù hợp. Trong trường hợp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hoặc Bộ Y tế có quy định riêng thì thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hoặc Bộ Y tế.

Để kế hoạch vận tải hàng không được vận hành theo đúng nguyên tắc, quy định, Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan chức năng địa phương sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của cảng hàng không, hãng hàng không và hành khách tại cảng hàng không, sân bay theo quy định. Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát việc mở bán vé của hãng hàng không theo tần suất đã quy định và sẽ xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện theo quy định pháp luật.

Việc Bộ GTVT ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đối với lĩnh vực hàng không là hết sức cần thiết. “Mở cửa bầu trời” trở lại đồng nghĩa với việc các cơ quan, đơn vị hàng không, đặc biệt là người dân tham gia hoạt động vận tải hàng không phải rất trách nhiệm, cẩn trọng, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Phục hồi, tiến tới tăng trưởng là nhiệm vụ sống còn đối với ngành Hàng không thế giới nói chung và hàng không Việt Nam nói riêng, tuy nhiên đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém. Đây là nhiệm vụ cần sự chia sẻ, góp sức của tất cả lao động, người dân, hành khách liên quan, tham gia hoạt động hàng không.

Ý kiến của bạn

Bình luận