Một thế giới như thế đã cuốn con người vào nhịp sống khẩn trương và gấp gáp. Mọi thứ đều được cân đong đo đếm trong từng khoảnh khắc. Sống vội vàng, làm việc vội vàng, ăn uống vội vàng và rồi cả đến chuyện yêu đương cũng vội vàng. Một thế giới như thế cho ta có quyền mơ ước và nuôi những khát vọng lớn lao, nghĩ đến những điều to tát. Không ai phủ nhận điều đó và cũng không ai lại muốn đứng ngoài nhịp sống ấy một cách lãng phí. Thời gian và tâm tưởng dành cho một góc bình yên để mà tư duy, để mà chiêm nghiệm, nhâm nhi triết lý nhân sinh…ngày càng trở nên ít ỏi và xa xỉ.
Chúng ta thường than vãn rằng ngày nay văn hoá đọc đã không còn được coi trọng, khi mà cuộc sống luôn đặt ra bao nhiêu những việc phải vội vàng, phải lo toan. Bên cạnh đó là sự năng động của tất cả các kênh thông tin truyền thông cập nhật đến từng giây từng phút. Cần là có, tìm là thấy…Vậy thì sự đòi hỏi một phần thời gian dứt ra khỏi những lo toan để thư giãn, để tìm mình trong một cuốn sách đôi khi là một câu hỏi khó.
Khẩu hiệu của ngày hôm nay là hãy kéo mọi người trở lại với văn hoá đọc, đó là một điều cần. Nhưng xin lỗi ! Đọc là một lẽ tự nhiên của con người, đó là nhu cầu, là sự thích thú… Tất cả không lệ thuộc vào khẩu hiệu, không bị chi phối bởi một sự gượng gạo gò ép.
Chúng ta đang đi trên nhưng lối mòn xưa cũ. Cứ viết cho nhiều, in cho lắm, vẫn cứ nào là dự án triển lãm sách, trưng bày sách, hội chợ sách…Cái nào làm hoành tráng vui vui thì người ta đến ngó ngàng rồi chậc lưỡi, chả lẽ về không. Thôi thì cũng mua một cuốn để rồi quăng xó xỉnh nào đấy. Chốt lại là tốn tiền, mất công vào những việc biết là không hiệu quả vẫn làm vì không hiệu quả kiểu này cũng mút mát, nhặt nhạnh đặng thêm đồng đi chợ, vả lại họa hoằn có cơ hội, có điều kiện thì trát chít tút tát cho cái danh thêm bóng bẩy. Chậc, cũng là một cái sự được.
Văn chương vốn dĩ nó là cuộc sống, nó chảy theo dòng chảy của cuộc sống nhưng lại cứ phải là hàn lâm bác học mới được coi là văn, là chuẩn. Cứ phải là truyện dài hay tiểu thuyết lê thê chương hồi, ngồn ngộn chữ nghĩa, dằng dặc nhân vật thì mới được coi là danh giá, là cao sang, cố mà đưa ra những thông điệp lớn cải tạo xã hội thì mới được coi là có tuyên ngôn, có sáng tạo. Có như thế mới mong có “số má” để được gọi là nhà nọ nhà kia, bồng bềnh tên tuổi. Cái mà đầy ra ở đời thì lại bĩu môi rằng đời là thứ thô tục, lộn xộn không thể vào văn vì văn là nó phải thanh cao tao nhã.
Sách cứ viết ra cả cục, chữ nghĩa cứ ngồn ngộn cả sàng cả đống, ngó qua hoa mắt. Thời buổi bây giờ chẳng ai còn thời gian tâm trí đâu mà ngồi nhai cả đống chữ nghĩa để rồi chả hiểu người ta đang nói hay đang hát cái gì. Thôi, cái này phần cánh lục tuần trở lên, hết thời hết sức, nhàn tản nhâm nhi cho nó hết ngày. Là nói thế chứ đã “bung dù” ngồi chỗ thì đồng tiền bát gạo chẳng xênh xang, túng thì phải tính, móc hầu bao mua cuốn sách hay lạng thịt bó rau, cân chè gói thuốc…còn phải lăn tăn chán.
Không phủ nhận, không quay lưng với những tác phẩm văn chương mang nặng trong lòng nó những tinh chất được chắt lọc bằng sức lao động sáng tạo của trí tuệ, sự mẫn cảm với nhân tình thế thái. Nhưng cái “tội” của nó là quá dài dòng làm em ngại lắm, bởi em còn bao nhiêu công việc phải làm, phải lo. Nhu cầu cuộc sống ngày nay cao lắm, mọi thứ cứ phải tính nhanh để qui ra đồng tiền bát gạo. Chuyện chữ nghĩa thích đấy nhưng tính sau.
Cần lắm những điều lớn lao, cần lắm những thông điệp cho con người và xã hội để hướng đến một sự hoàn thiện. Nhưng muốn cho mọi người quay lại và gần hơn với văn hóa đọc, xin hãy bắt đầu bằng nhưng điều giản dị như nhu cầu đời sống mỗi ngày. Thay vì một cuốn sách dày, một cuốn tiểu thuyết, thì hãy bằng những câu chuyện dung dị đời thường, những câu chuyện diễn ra hàng ngày trong đời sống, đừng coi đó là dị biệt, là sần sùi thô tục. Hãy bứng chặt lấy nó rồi đưa nó trở lại với chính nơi nó sinh sôi. Chính những câu chuyện ấy nó làm người ta thấy thú vị, tìm thấy mình, thấy cuộc sống, câu chuyện của mình trong đó. Đấy cũng chính là thông điệp, là tiếng chuông đấy chứ.
Nhiều người có thể sẽ chẳng ngó ngàng gì đến những chuyện đại sự, những vấn đề lớn lao, nhưng lại rất thú vị với những câu chuyên nhỏ như “việc tử tế” hay “thông điệp cuộc sống” mà VTV đang làm.
Khoảng 5 năm trở lại đây, giới trẻ bắt đầu rục rịch đọc sách. Những phố bán sách ở Hà Nội, Tp, Hồ Chí Minh… thỉnh thoảng cũng tấp nập, “kẻ đến người đi” nhiều hơn. Nhưng khi tìm hiểu về tựa sách và thể loại sách mà giới trẻ tìm đọc, phần lớn trong đó lại chỉ là sách ngôn tình, sốc, sến, hở… Và một mảng nữa là sách văn học thì lại là những cuốn tiểu thuyết, những câu chuyện dài lê thê. Có thể đó là những cuốc sách hay và bổ ích, có thể ở đó có những thông điệp lớn. Nhưng, như đã nói ở trên, thời gian dành cho công việc mưu sinh và những thú vui giải trí đã không còn có hứng thú cho những câu truyện dài.
Gần đây có một số nhà văn, nhà báo như: Nhà văn Y Ban, Nguyễn Việt Hà, Việt Linh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Hữu Hồng Minh… cho “ra lò” những cuốn tản văn, tạp văn đang được rất nhiều bạn trẻ đón nhận với một sự háo hức và thú vị. Những cuốn tản văn ấy đã đưa được hơi thở cuộc sống hàng ngày, ngồn ngộn những sự việc, sự kiện về một thực trạng mà người ta đang hoà mình trong đó, sẻ chia và sống chung với nó.
Văn học đương đại Việt Nam cần cho độc giả, hướng độc giả trở lại với đam mê của văn hoá đọc nên chăng phải bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ nhưng phản ánh được một thực trạng của xã hội hiện tại, qua đó mà gióng một tiếng chuông với lối sống, với nhãn quan hiện thực sinh động và quan trọng là nhưng câu chuyện ngắn, giản dị đời thường sẽ kéo người đọc đi dần vào sự đam mê vốn có.. Một cuốn sách nhạt nhẽo và lệch lạc có thể không làm hỏng được một con người. Nhưng, cuốn sách nhạt sẽ bị đào thải theo thời gian, theo sự trưởng thành và sở thích, sự thú vị của người đọc nó.
Trịnh Đình Nghi
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.