Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT về việc tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện Chương trình hành động số 31-CTr/BCSĐ ngày 24/5/2023 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT về việc thực hiện Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, để triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp "Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức triển khai, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 50 ngày 5/10/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ về tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Quyết định 1504 ngày 14/11/2022 của Bộ GTVT về phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT" và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực định kỳ và đột xuất.
Bộ GTVT cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó và có cơ chế kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, tránh việc đùn đẩy, né tránh, không rõ trách nhiệm trong tiếp nhận, tham mưu, chỉ đạo, giải quyết công việc; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc.
"Người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chịu trách nhiệm về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thuộc Bộ GTVT; xây dựng, ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại từng cơ quan, đơn vị phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao", Bộ GTVT yêu cầu.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường rà soát, xây dựng, tham mưu xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách; tự kiểm tra, rà soát để phát hiện các sơ hở, tồn tại, bất cập trong quy chế, quy trình, quy định nội bộ để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý; nhận diện những lĩnh vực nóng, vị trí nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng để có biện pháp phòng ngừa, chủ động phát hiện sớm không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kiên quyết, kiên trì dấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm các biểu hiện, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chú trọng công tác tiếp công dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Cũng theo yêu cầu của Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các biểu hiện, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thanh tra, kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.