Lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hàng không Paris (ADP) tại trụ sở Bộ tháng 3/2016. |
Năm 2016, hợp tác song phương trong lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam với các nước đã không ngừng được đẩy mạnh, đặc biệt là đối với các nước láng giềng có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc; các nước đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc ... Ngoài ra, quan hệ hợp tác với các nước Anh, Pháp, Nga, Italia, Niu Di-lân, Hà Lan, Bỉ, Áo, Singapore, Thái Lan, Indonesia... tiếp tục được mở rộng thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ thống GTVT.
Hợp tác GTVT trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, UNESCAP, GMS, CLV... được tăng cường trong đó trọng tâm là việc triển khai các chương trình, dự án kết nối GTVT ASEAN để thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015. Việt Nam cũng tham gia ngày càng tích cực và đầy đủ hơn vào hoạt động của các tổ chức quốc tế chuyên ngành GTVT thông qua việc tham gia đàm phán, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Đường sắt quốc tế (OSJD) ... cũng như tham dự các cuộc họp Đại hội đồng, các cuộc họp chuyên môn, kỹ thuật của các tổ chức này. Trong đó, thực hiện khuyến nghị của IMO về việc tham gia các Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL), Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai các Phụ lục của Công ước (Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 11/5/2016). Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cử các đoàn công tác tham dự các Hội nghị của IMO như phiên họp thứ 3 Tiểu ban Thực thi các công ước IMO (18/7-22/7/2016), phiên họp thứ 66 Ủy Ban Hợp tác Kỹ thuật (03-05/10/2016), phiên họp thứ 97 Ủy Ban An toàn Hàng hải (MSC) (21-25/11/2016).
Trong năm 2016, Bộ GTVT đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác cấp Bộ với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thực hiện thủ tục nội bộ đề xuất Chính phủ cho phép ký và phê duyệt nhiều điều ước quốc tế khác trong lĩnh vực GTVT.
Bộ cũng tăng cường làm việc, đàm phán với các tổ chức tài chính và các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIMBANK), Cơ quan Phát triển quốc tế Australia (Ausaid)... Đồng thời, rà soát tiến độ triển khai các dự án hợp tác cũng như tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức này dành cho Việt Nam nguồn vốn hỗ phát triển cơ sở hạ tầng GTVT. Trong năm 2016, có 06 hiệp định vay vốn cho các dự án ODA trong lĩnh vực GTVT đã được ký kết .
Ngoài ra, Bộ GTVT thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng phương án đàm phán cũng như tham gia đoàn đàm phán Chính phủ về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Gói cam kết thứ 10 trong khuôn khổ Hiệp định AFAS, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), Danh mục không tương thích đối với các lĩnh vực phi dịch vụ của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN + Úc và Niu Di-lân (AANZFTA)... góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán các Hiệp định nêu trên theo lộ trình đã được lãnh đạo các nước thống nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.