Hệ thống camera giám sát việc kiểm soát chất lượng và an toàn kỹ thuật của phương tiện tại các Trung tâm Đăng kiểm. |
Không để phương tiện không bảo đảm an toàn tham gia giao thông
Ghi nhận tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V Hà Nội (Trung tâm) những ngày giáp Tết Nguyên đán, số lượng khách hàng tới tăng cao so với ngày thường song không xảy ra tình trạng ùn tắc. Ông Đỗ Tràng Hưng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Vào dịp cuối năm, lượng khách hàng thường tăng khoảng 30%. Để phục vụ khách hàng được tốt nhất, Trung tâm triển khai làm thêm giờ, thông tin định hướng khách hàng đưa xe tới đăng kiểm chủ động đặt lịch ngoài giờ cao điểm… Ngoài yêu cầu an toàn kỹ thuật luôn được đặt lên hàng đầu, trong dịp lễ Tết chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền nhắc nhở khách hàng đảm bảo an toàn giao thông”, ông Hưng chia sẻ.
Được biết, trong 2 năm bão dịch COVID-19 hoành hành, ứng dụng phần mềm chăm sóc khách hàng đã được Trung tâm triển khai và đạt hiệu quả tốt. “Đối với từng khách hàng, trước 1 tuần hạn kiểm định, hệ thống sẽ nhắn tin thông báo mời đặt lịch. Việc đặt lịch đăng kiểm cũng rất đơn giản, chỉ vài cú click trên website của Trung tâm, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn báo ngày giờ cụ thể. Nhờ vậy, mỗi lần đăng kiểm, khách hàng chỉ mất khoảng 45 phút, rút ngắn được 30 phút so với thông thường. Giải pháp này mang lại phản hồi tích cực, giúp khách hàng vừa không bị quá hạn vừa chủ động bố trí linh hoạt thời gian kiểm định”, ông Hưng nói.
Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, chất lượng phương tiện giao thông cơ giới và phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân năm 2022, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc và Đăng kiểm xe cơ giới, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng và an toàn kỹ thuật của phương tiện; thực hiện đúng các quy trình, quy định và hướng dẫn trong công tác kiểm định; không để các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông; đặc biệt chú trọng tới các phương tiện chở khách, xe khách giường nằm, xe chở học sinh, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, tàu cao tốc chở khách, phương tiện dùng để đưa, đón trẻ em, học sinh, phương tiện gia dụng phục vụ đi lại của người dân, phà, đò dọc, đò ngang, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi; toa xe khách..., các phương tiện cải tạo thay đổi kết cấu và điều kiện về phòng chống cháy nổ.
Ngoài ra, Cục trưởng Đặng Việt Hà cũng yêu cầu các đơn vị cần chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; không để ùn tắc phương tiện, công việc, đồng thời phải đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Công bố, duy trì số điện thoại đường dây nóng và số điện thoại lãnh đạo đơn vị để tiếp nhận, xử lý các phản ảnh của người dân và doanh nghiệp.
Kiểm định an toàn, nhanh chóng, thuận lợi
Năm 2021, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời yêu cầu các đơn vị đăng kiểm thực hiện nhiều biện pháp duy trì hoạt động kiểm định an toàn, thực hiện quy trình kiểm định nhanh chóng, thuận lợi, phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp.
- Thực hiện kiểm định xe cơ giới tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V Hà Nội |
Tới nay, hệ thống các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tiếp tục phát triển mạnh với 255 đơn vị, chi nhánh gồm 469 dây chuyền kiểm định tại 63 tỉnh và thành phố trên cả nước. Công tác kiểm định xe cơ giới trên cả nước tiếp tục được duy trì ổn định, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và nhiệm vụ quản lý về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, góp phần kiểm soát tải trọng, giảm thiểu tai nạn giao thông và tạo dựng niềm tin của người dân và xã hội.
Kết quả, số lượt xe cơ giới được kiểm định năm 2021 đạt 3.818.524 lượt; trong đó 3.473.882 lượt xe được kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tương tự, về phương tiện thuỷ, đội tàu biển do Cục Đăng kiểm Việt Nam phân cấp hiện đang duy trì 1.291 tàu, với tổng trọng tải là 10,73 triệu tấn, tổng dung tích là 6,66 triệu GT. Trong năm 2021, đội tàu biển Việt Nam tiếp tục được duy trì trong danh sách trắng của Tokyo-MOU và Cục Đăng kiểm Việt Nam được Tokyo-MOU xếp trong danh sách các tổ chức đăng kiểm thực hiện tốt chức năng.
Về phương tiện thuỷ nội địa, tổng số phương tiện được giám sát kỹ thuật trên cả nước trong năm 2021 là 33.460 phương tiện. Cũng trong năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường kiểm soát và chỉ đạo nghiệp vụ các đơn vị đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa thông qua hồ sơ, chương trình quản lý nhằm duy trì sự phối hợp và thống nhất giữa các đơn vị trong công tác đăng kiểm, đặc biệt đối với kiểm tra phương tiện trong đóng mới, hoán cải và kiểm tra phương tiện vãng lai; nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện, tăng uy tín của cơ quan đăng kiểm.
Về phương tiện đường sắt, trong năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra 3.621 phương tiện. Bên cạnh đó, các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng kiểm trong điều kiện giãn cách xã hội bởi đại dịch COVID-19 cũng được thực hiện. Điển hình là việc kiểm định phương tiện đường sắt chuyên chở hàng thiết yếu phục vụ các tỉnh phía Nam với phương châm “3 tại chỗ” ở Bình Dương, “một cung đường hai điểm đến” ở TP Hồ Chí Minh, "4 tại chỗ và 3 sẵn sàng" tại Đà Nẵng.
Bộ Giao thông vận tải đã có Công điện số 32/CĐ-BGTVT về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân năm 2022. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phương tiện, không cho phép sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, đặc biệt chú trọng tới các phương tiện xe khách giường nằm, phương tiện cải tạo, thay đổi kết cấu so với thiết kế, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, tàu cao tốc. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.